Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản: Doanh nghiệp tăng tốc đón mùa cao điểm cuối năm

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện các DN xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam đang tích cực khôi phục sản xuất trở lại để đáp ứng tiến độ giao hàng trong 2 tháng cuối năm 2021, cũng như nhu cầu từ nhiều thị trường nhập khẩu lớn tại châu Á cho nhu cầu cuối năm.

10 tháng năm 2021, giá trị xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 38,7 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 44 tỷ USD trong năm 2021, những tháng cuối năm, các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tăng tốc sản xuất, khơi thông thị trường.

Những tín hiệu khả quan

Sau nhiều tháng trầm lắng vì dịch bệnh, tới nay hoạt động thông thương của mặt hàng gạo đã khởi sắc hơn. Giám đốc Công ty TNHH Vrice Phan Văn Có chia sẻ, hiện vụ Hè - Thu đã thu hoạch hết trong khi Chính phủ đang tăng lượng dự trữ quốc gia, từ đó kéo giá cả trong nước và xuất khẩu tăng lên.

Hiện tại, Vrice và các DN xuất khẩu gạo Việt Nam đang tích cực khôi phục sản xuất trở lại để đáp ứng tiến độ giao hàng trong 2 tháng cuối năm 2021, cũng như nhu cầu từ nhiều thị trường nhập khẩu lớn tại châu Á.

 Việt Nam tăng cường xuất khẩu rau, quả sang các thị trường châu Âu, châu Mỹ. Ảnh minh họa

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, xuất khẩu rau, quả dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng vẫn tăng trưởng đáng kể từ việc xuất khẩu vào các thị trường châu Âu, Mỹ, Đông Bắc Á, Trung Đông... Điều đáng mừng là nếu như trước đây, rau, quả xuất khẩu phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc với tỷ trọng khoảng 70% thì nay giảm còn 58%.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 37,5 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao, như: Cà phê, cao su, rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sản phẩm chăn nuôi, sản phẩm gỗ; mây tre… Mỹ hiện vươn lên là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam.

Cụ thể, 10 tháng năm 2021 giá trị nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang thị trường này đạt trên 10,8 tỷ USD, bỏ xa thị trường Trung Quốc đứng thứ hai với gần 7,5 tỷ USD. Đáng chú ý, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 11 của Hoa Kỳ với trên 30.000 tấn, tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng rau, quả, gạo, thủy sản, sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và châu Âu cũng tăng mạnh từ đầu năm đến nay.

Đánh giá về bức tranh xuất khẩu nông sản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định, sự chuyển dịch trong thị trường xuất khẩu và nâng cao chất lượng sản phẩm đã giúp nông nghiệp trở thành ngành tăng trưởng bền vững trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đóng góp 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, song từ nay đến cuối năm 2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn phải đối mặt với các yếu tố bất lợi, như: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nước; cước vận tải tăng cao; sự kiểm soát chất lượng sản phẩm chặt chẽ của các thị trường nhập khẩu...

Hỗ trợ doanh nghiệp khơi thông thị trường

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng khoảng 5,6% năm 2021, điều này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu và những hiệp định thương mại tự do sẽ giúp xuất khẩu nông sản Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh. Mặt khác, cuối năm cũng là thời điểm nhu cầu về nông sản của các nước tăng cao, nhiều nước thu mua dự trữ nông sản cho năm tiếp theo để đề phòng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Để tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Đây được coi là điểm tựa để các ngành hàng, DN kịp thời đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông sản trong những tháng cuối năm 2021 và thời gian tiếp theo.

 Thủy sản là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh minh họa

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ DN nông nghiệp khôi phục sản xuất. Còn Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam Trần Hữu Hậu thông tin, Hiệp hội đang cùng các DN thành viên rà soát nhu cầu của các thị trường để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh; đồng thời đề xuất địa phương hỗ trợ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho công nhân tại các nhà máy chế biến điều xuất khẩu.

Nhằm bảo đảm lưu thông thông suốt, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng, cũng như thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, các tổ công tác của Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT các tỉnh, DN, hiệp hội nắm bắt khó khăn, vướng mắc của chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ nông sản tại địa phương để có những giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời. Bộ cũng đã giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thường xuyên cập nhật tình hình cung - cầu nông sản phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cùng với việc thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước ASEAN, Peru, Brazil, Nga... trong khuôn khổ hợp tác nông nghiệp song phương và đa phương, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nắm bắt thị trường, thông tin kịp thời đến địa phương, DN những cảnh báo, quy định mới của thị trường xuất khẩu. Cung cấp thông tin quy định về hạn ngạch đối với các mặt hàng nông sản thực thi hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) cũng như tăng cường các hoạt động đẩy mạnh quảng bá nông sản Việt Nam tại thị trường châu Âu…

Các DN, hợp tác xã; các hiệp hội, ngành hàng nông nghiệp cần đổi mới tư duy, chủ động cập nhật thông tin, tổ chức sản xuất gắn với nhu cầu thị trường để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xử lý hiệu quả tình trạng thiếu container rỗng, tăng cường các giải pháp lưu thông hàng hóa, thúc đẩy dịch vụ hậu cần vận tải để giảm giá cước vận tải; đồng thời tháo gỡ khó khăn cho DN, hợp tác xã trong vấn đề kho bãi, bảo quản sản phẩm nông nghiệp cũng như hậu cần thương mại cửa khẩu để bảo đảm thông quan nông, lâm, thủy sản nhanh nhất.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần