Xuất khẩu nông sản: Cần vào cuộc đồng bộ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù Chính phủ và các cơ quan chức năng đã và đang nỗ lực đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhóm hàng này, song trên thực tế hiệu quả chưa được như mong muốn.

Báo cáo của Bộ NN và PTNT, 6 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu toàn ngành ước đạt 14,88 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế các ngành hàng XK sẽ thấy kim ngạch dù tăng nhưng giá trị xuất khẩu lại giảm khá mạnh.

Hàng năm, Việt Nam xuất khẩu trên dưới 7 triệu tấn gạo các loại ra thị trường thế giới, tạo ra một nguồn ngoại tệ hơn 3 tỉ USD. Tuy vậy, công nghệ sấy, xay xát còn khá lạc hậu, tiêu tốn nhiều điện năng, tỉ lệ hao hụt cao lại phân bổ không đồng đều nên chi phí cho ra giá thành cao làm giảm đi sức cạnh tranh.
Xuất khẩu nông sản: Cần vào cuộc đồng bộ - Ảnh 1
Hiện nhiều mặt hàng nông, thủy sản của VN vẫn đang phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc, trong đó lúa gạo, cao su, chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu, còn thanh long, vải, bột sắn, thị trường này chiếm đến 80-90%. Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, đây là vấn đề không mới của ngành nông nghiệp VN hiện từ lâu nay.

Hỗ trợ thiếu nhất quán

Cũng theo GS.TS Xuân, ngay khi VN mới gia nhập WTO, ông đã nhiều lần đề cập việc cải tổ sản xuất lúa gạo để tăng sức cạnh tranh cho gạo Việt. Song đến nay, nhiều DN vẫn duy trì kiểu làm ăn chụp giật, thông qua thương lái. Chúng ta thừa sức làm ra hạt gạo chất lượng, nhưng nhiều cánh đồng mẫu lớn đang tồn tại kiểu chạy theo lợi nhuận, không kiểm soát chặt chẽ các khâu sản xuất gạo đúng tiêu chuẩn quốc tế và khó có thương hiệu để xuất khẩu, chủ yếu xuất thô và có giá trị thấp. Dù chiến lược XK hàng hóa giai đoạn 2011- 2020, định hướng đến năm 2030 nêu rõ đối với nhóm hàng nông, thủy sản là chuyển dịch cơ cấu hàng XK hướng mạnh vào chế biến sâu, phát triển sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh và có thương hiệu mạnh. Tuy nhiên, do các chính sách hỗ trợ vốn, khoa học công nghệ, đào tạo… chưa đồng bộ và nhất quán nên việc chuyển dịch vẫn khá chậm. GS.TS Xuân băn khoăn.

Vào cuộc đồng bộ

Mặc dù Chính phủ và các cơ quan chức năng đã và đang nỗ lực đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhóm hàng này, song trên thực tế hiệu quả chưa được như mong muốn. Để phục hồi và duy trì tốc độ tăng trưởng, theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, phải cơ cấu xuất khẩu các sản phẩm chủ lực sẽ chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, kim ngạch xuất khẩu lớn, thông qua việc tái cấu trúc các ngành hàng trong chuỗi hàng xuất khẩu. Việc phát triển xuất khẩu phải dựa trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng thế mạnh, nội lực của từng DN để từ đó rà soát và tính toán lại chuỗi giá trị. Qua đó phân công từng công đoạn xem DN nên phải làm gì trong chuỗi giá trị này để hình thành khâu chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm “tinh” - tức là sản phẩm ở cấp cao phục vụ cho xuất khẩu ở những thị trường cấp cao, làm thay đổi lợi nhuận theo giá trị gia tăng. Và nếu điều này thực hiện được sẽ hạn chế việc các DN trong nước tự cạnh tranh lẫn nhau và triệt tiêu nhau khi thị trường ngày một thu hẹp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: Quyết liệt mở rộng thị trường
Việc đa dạng hóa thị trường đang được triển khai quyết liệt, đây là yêu cầu cấp thiết và cũng là nhiệm vụ trọng tâm của 6 tháng cuối năm đối với ngành công thương. Để có thể mở rộng thị trường, tăng giá trị và hiệu quả xuất khẩu. Chúng ta phải tập trung phát triển những hàng hóa và dịch vụ mà thị trường có yêu cầu với chất lượng, giá cả cạnh tranh. Đồng thời, các DN, địa phương cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh trong và ngoài nước. Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm hàng hóa VN, củng cố mối quan hệ với các khách hàng truyền thống, tạo cơ hội tìm kiếm khách hàng mới tiềm năng. Cần đánh giá xu hướng thị trường, để xây dựng chiến lược phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chế biến có giá trị gia tăng cao.

Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Cao Đức Phát: Nâng chất lượng từ tái cơ cấu

Bộ NN và PTNT nhận định sẽ phải đưa ra giải pháp quyết liệt để tránh tình trạng hàng hóa khó khăn tiêu thụ, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục triệu hộ nông dân trên cả nước. Để giải bài toán này, định hướng trong tương lai thay vì sản xuất và xuất khẩu hàng loạt các sản phẩm nông sản giá rẻ, chưa qua chế biến, số lượng nhiều, chuyển thành những mặt hàng nông sản chất lượng cao đã qua chế biến, có giá trị cao và hướng tới những thị trường như Mỹ, Nhật Bản, EU... Đây là một trong những giải pháp trong phát triển các mặt hàng nông sản, đẩy mạnh xuất khẩu và tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Bên cạnh đó, Bộ Nông NN và PTNT sẽ tập trung  đẩy mạnh tái cơ cấu ngành để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, cố gắng duy trì mục tiêu tăng trưởng GDP của ngành theo mục tiêu đề ra là 3%.