Tuy nhiên, để nông sản Hà Nội khẳng định được vị thế tại thị trường này đòi hỏi TP phải có giải pháp và chiến lược lâu dài. Giám đốc Trung tâm Trợ giúp nông dân Hà Nội Tô Hải Long trao đổi về vấn đề này. Nắm bắt thời cơ Xin ông cho biết, cơ duyên nào đã giúp nông sản Hà Nội có mặt tại Nga? - Tháng 12/2015, UBND TP Hà Nội tạo điều kiện cho Hội Nông dân (HND) TP tổ chức đoàn đi khảo sát thị trường và giao dịch thương mại tại Liên bang Nga. Tại Mátxcơva, HND TP đã phối hợp với T.Ư Hội Hữu nghị Nga – Việt tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại với các DN là thành viên của hai bên. Hội nghị đề cập chủ yếu tới vấn đề tiêu thụ mặt hàng nông sản của Hà Nội tại thị trường Nga. Ngay sau hội nghị này, tháng 2/2016, T.Ư Hội Hữu nghị Nga – Việt đã tổ chức cho một số DN lớn của Nga sang thăm Việt Nam để tìm kiếm đối tác và nhập khẩu nông sản của Việt Nam, trong đó có nông sản Hà Nội. Trung tâm Trợ giúp nông dân Hà Nội được HND TP giao nhiệm vụ là đơn vị thường trực thực hiện kết nối đưa nông sản Thủ đô XK sang Nga. Tính đến thời điểm này, các DN là thành viên của hai bên đã thỏa thuận xuất 2 chuyến nông sản Hà Nội sang Nga. Lần thứ nhất vào ngày 30/4/2016 với 200kg gồm rau, ớt, xả, riềng, thanh long… Lần thứ hai vào ngày 7/5/2016 với 300kg gồm lá mơ, lá chanh, khoai lang, khoai sọ, mít, ổi, xoài, rau gia vị... Phản hồi của người tiêu dùng Nga thế nào, thưa ông? - Hầu hết người Nga đều đánh giá nông sản Việt Nam nói chung và nông sản Hà Nội rất ngon và phù hợp với thị hiếu của họ. Họ đặc biệt yêu thích các sản phẩm như chuối, xoài, ớt, rau gia vị… Những người đã sử dụng đều cho biết chất lượng nông sản Việt Nam không thua kém gì nông sản Thái Lan hay các nước ở khu vực Nam Mỹ đang có mặt trên thị trường Nga. Đáng chú ý, 2 lô hàng nông sản XK sang Nga đều được tiêu thụ hết ngay trong ngày. Về lâu dài, Nga có là thị trường nhập khẩu nông sản bền vững? - Căn cứ vào tình hình thực tế và dựa trên kết quả ban đầu, tôi khẳng định Nga là thị trường dễ tính và bền vững. Khi sang thị trường Nga, nông sản Hà Nội được bày bán chủ yếu tại các trung tâm thương mại sầm uất. Trong chuyến làm việc tại Nga, HND TP đã ký kết với Tập đoàn Hoàng tử - một tập đoàn lớn của Nga chuyên phân phối nông sản, thực phẩm, có hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối và khách sạn nên rất thuận tiện cho hợp tác giao thương. Mặc dù cách trung tâm Mátxcơva 30km, song với vị trí nằm ngay trên ga tàu điện ngầm nên lượng người mua bán rất đông. Xây dựng thương hiệu Nhận định của ông về những khó khăn mà Hà Nội đang gặp phải khi XK nông sản sang Nga? - Trước tiên, tôi muốn nói đến sự thiệt thòi của nông sản Việt Nam nói chung và nông sản Hà Nội nói riêng tại thị trường Nga, đó là chưa được người tiêu dùng Nga biết đến nhiều. So với nông sản của Thái Lan hay các nước khu vực Nam Mỹ thì rõ ràng nông sản Hà Nội thua kém cả về mẫu mã, bao bì và chỉ dẫn nguồn gốc xuất xứ. Đó là hệ quả của việc chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến xây dựng thương hiệu cho nông sản tại thị trường này. Xin được dẫn chứng cụ thể: Có không ít người Nga đã ăn thử và khen ngợi các loại trái cây của chúng ta ngon, nhưng chỉ đến khi được nhân viên bán hàng giới thiệu thì họ mới biết đây là nông sản của Việt Nam. Bởi các sản phẩm của chúng ta không có bao bì, nhãn mác. Khó khăn tiếp theo là Hà Nội vẫn chưa đủ khả năng đáp ứng được các đơn đặt hàng lớn của Nga. Đơn cử như mới đây, có DN Nga đặt mua 300 tấn chanh vàng không hạt/tháng, nhưng chúng ta không dám ký hợp đồng bởi không thể có đủ số lượng XK. Không chỉ Hà Nội mà trên cả nước hiện không có địa phương nào quy hoạch được vùng trồng chanh tập trung quy mô lớn với sản lượng như vậy. Điều này đã phần nào bộc lộ yếu kém trong quy hoạch, cách thức, quy mô sản xuất của nông dân hiện nay. Ngoài ra, phải kể đến khâu vận chuyển bằng đường hàng không vẫn vướng nhiều thủ tục, nhất là kê khai hải quan về số lượng, trọng lượng hàng, xác nhận kiểm dịch thực vật. Vậy, đâu là giải pháp để nông sản Hà Nội đứng vững tại thị trường Nga? - Bất kỳ ở thị trường nào, mặt hàng nông sản muốn cạnh tranh được đều phải đảm bảo 2 yếu tố: Chất lượng và thương hiệu. Do đó, TP cần đầu tư kinh phí để xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Hà Nội tại thị trường Nga. Theo tôi, chúng ta đã thực hiện ở Hà Nội bài bản thế nào thì tại Nga cũng phải thực hiện tương tự. Đặc biệt là tập trung vào nhãn mác, bao bì chất lượng cao, mang đặc trưng riêng. Trước mắt, cần có chiến lược quảng bá rầm rộ, mạnh mẽ hơn để người Nga biết đến nông sản Hà Nội nhiều hơn nữa. Được biết, T.Ư Hội Hữu nghị Nga - Việt đang xây dựng dự án “Ngôi nhà thương mại Việt Nam tại Mátxcơva”. Tranh thủ cơ hội thuận lợi này, HND TP đang tích cực tuyên truyền, vận động bà con nông dân sản xuất an toàn. Đồng thời làm tốt công tác khảo sát, đánh giá, dự báo thị trường để từ đó định hướng, hỗ trợ nông dân xây dựng những vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, ổn định và lâu dài; tăng cường tập huấn, tư vấn cho nông dân về bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu nông sản… Xin cảm ơn ông!