Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu nông sản năm 2024: Chế biến sâu để tăng giá trị

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Để cán đích mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2024 từ 54 - 55 tỷ USD, thiết lập nhiều kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu ở một số mặt hàng chủ lực, ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư mạnh cho chế biến sâu.

Tín hiệu tăng trưởng lạc quan

Ngay những tháng đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có hàng loạt đơn hàng xuất khẩu nông sản đến các thị trường lớn.

Đơn cử như Công ty CP Nafoods Group, doanh nghiệp này đã xuất khẩu 1.300 tấn nguyên liệu quả tươi sang thị trường các nước trong tháng 1/2024; trong đó, sản lượng chanh leo cô đặc chiếm 60% và chanh leo NFC (nước ép) chiếm 30%.

Dây chuyền chế biến chan leo xuất khẩu. Ảnh minh họa 
Dây chuyền chế biến chan leo xuất khẩu. Ảnh minh họa 

Giám đốc Kinh doanh công nghiệp Công ty CP Nafoods Group Hồ Thị Loan chia sẻ, xuất khẩu chanh dây sẽ mang lại giá trị cao trong năm 2024 khi giá đang không ngừng tăng mạnh trở lại với mức giá chanh quả chế biến từ 10.000 – 11.000 đồng/kg. Nguyên nhân do các doanh nghiệp trong nước và thế giới có nhu cầu mở rộng sản xuất, cũng như nhu cầu thị trường chanh quả của Trung Quốc, Thái Lan, Lào tăng mạnh vào đầu năm.

Tương tự, mặt hàng gạo cũng đón chờ một năm thành công, khi các tín hiệu từ các thị trường đều rất khả quan. Ngay từ đầu năm 2024, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã nhận được nhiều đơn hàng.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình cho biết, giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện trên 600 USD/tấn. Năm 2024, lượng gạo xuất khẩu tối thiểu của Việt Nam có thể cũng bằng năm 2023, nhưng giá trị chắc chắn cao hơn từ 10 - 15%. Do vậy, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gạo dự kiến đạt mức trên 5 tỷ USD.

Nhận định về thị trường gạo xuất khẩu, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa phân tích: mặc dù, giá lúa, gạo vẫn phụ thuộc khá lớn vào việc Ấn Độ có xem xét dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo hay không, song giá mặt hàng này năm 2024 vẫn có thể ở mức cao.

Theo Tổ chức Lương thực thế giới (FAO), thế giới đang thiếu hụt khoảng 5 triệu tấn gạo. Hiện lượng gạo tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn. Đây là thời cơ lớn cho mặt hàng lúa, gạo Việt Nam mà các doanh nghiệp cần tận dụng để bứt phá.

Đầu tư chế biến sâu để nâng sức cạnh tranh

Các chuyên gia khuyến nghị, để xuất khẩu nông sản trong năm 2024 đạt giá trị cao hơn và thiết lập nhiều kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu ở một số mặt hàng chủ lực, ngành hàng nông sản Việt cần tập trung đầu tư nhiều hơn về chế biến sâu. Đây được coi là giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng được chuỗi ngành hàng chuyên nghiệp và tạo ra những sản phẩm nổi trội, đem lại giá trị cao hơn.

 

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, tháng 1/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 5,14 tỷ USD, tăng 79,2% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu 3,72 tỷ USD; xuất siêu 1,43 tỷ USD tăng hơn 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Đề cập về giải pháp chế biến sâu, ông Lê Thanh Hòa khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến cần không ngừng tiếp cận xu thế và thị hiếu của người tiêu dùng, cũng như của thị trường để có những sản phẩm mới đáp ứng kịp thời nhu cầu. Người tiêu dùng ngày càng tiết kiệm thời gian, nên các sản phẩm tiện lợi, dễ chế biến sẽ ngày càng được chú ý.

Theo bà Kim Thu - chuyên gia thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), trên chặng đường vượt khó trong năm 2024 mặt hàng tôm cần phải tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh, bằng cách lựa chọn giải pháp giúp thúc đẩy hoạt động chế biến để nâng giá trị gia tăng.

Sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng hiện chiếm 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm. Trình độ chế biến chung của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cũng đang ở mức cao trên thế giới. Đây là những lợi thế cạnh tranh lớn các sản phẩm tôm Việt.

Ở góc độ của doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh Phạm Minh Thông cho rằng, để ngành cà phê và hồ tiêu của Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới, cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào khâu chế biến sâu.

“Chúng ta cần nhìn nhận thẳng vấn đề là không thể mãi kinh doanh theo kiểu thương mại thuần túy mà cần xây nhà máy, đầu tư chế biến sâu và năm nào cũng phải chú trọng cập nhật công nghệ. Bởi đó là điểm mấu chốt, lợi thế để giúp Việt Nam có thể xuất khẩu nông sản đạt giá trị cao hơn”.