Trung Quốc là khách hàng số một của nông sản Việt
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, 6 tháng năm 2023, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm nay.
Rau quả là mặt hàng được xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất, đạt 1.765 triệu USD, tương đương 65,8% kim ngạch xuất khẩu ngành hàng nông sản. Đứng thứ hai là mặt hàng cao su với kim ngạch 778,9 triệu USD; sau đó là gỗ và sản phẩm gỗ 706,6 triệu USD; thuỷ sản 634,4 triệu USD; sắn và sản phẩm sắn 522,9 triệu USD. Ngoài ra, Trung Quốc cũng mua lượng lớn gạo, cà phê, hạt điều của Việt Nam.
Đánh giá về kết quả nêu trên, Phó Cục trưởng Cuc Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải phân tích: Sở dĩ Trung Quốc thu mua nông sản từ thị trường Việt Nam là do sự thuận lợi về chi phí logistic, thời gian vận chuyển (chi phí rẻ hơn, thời gian nhanh hơn) và thói quen tiêu dùng của người dân nước họ.
Lưu ý về một số thay đổi của thị trường Trung Quốc, ông Trần Thanh Hải cho hay: Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, ngoài yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định, các DN xuất khẩu cần hết sức lưu ý đến nhu cầu từng giai đoạn của thị trường này.
Đơn cử như, kim ngạch nhập khẩu thanh long của Trung Quốc đang có chiều hướng chững lại và giảm dần do sự phát triển diện tích sản xuất thanh long của nước này đã đáp ứng một phần nhu cầu người tiêu dùng. Vì vậy, nếu muốn giữ vững kim ngạch xuất khẩu thanh long thì người sản xuất và DN phải tạo ra được những lợi thế cạnh tranh lớn hơn về giá, độ ngọt, màu sắc cho sản phẩm.
Hay với sản phẩm sầu riêng, Trung Quốc đang mở rộng khai thác từ nhiều nguồn cung với các phương thức vận chuyển khác nhau nên Việt Nam muốn chiếm lĩnh thị trường cần phải nâng cao chất lượng, giảm giá thành và giữ uy tín sản phẩm.
Hiện nay, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đang triển khai các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Đó là xây dựng chiến lược xuất khẩu chính ngạch, chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại. Bộ NN&PTNT tích cực hỗ trợ các địa phương xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.
Tuân thủ hệ quy định, tiêu chuẩn hiện hành
Theo Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia (vùng lãnh thổ) có số lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất. Nhóm hàng nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều gồm thủy sản, nước trái cây, bánh các loại.
Các lỗi bị cảnh báo gồm: Chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (sử dụng phụ gia thực phẩm vượt ngưỡng cho phép; nấm mốc; vi khuẩn gây bệnh); Hồ sơ kèm theo hàng hóa (thiếu chứng nhận hàng hóa; hàng hóa không đúng với chứng nhận/chứng thư; hàng hóa chưa được phép nhập khẩu); Tem nhãn bao bì hàng hóa không đáp ứng quy định, yêu cầu nhập khẩu...
Doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, có chiến lược về logistics, xây dựng được các kho bảo quản nông sản ở các địa phương biên giới giúp bảo quản lâu hơn, giữ được chất lượng tốt khi đến thời hạn giao hàng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung
Cách đây ít ngày, Bộ NN&PTNT đã nhận được một số thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc liên quan đến vi phạm về kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam.
Bộ NN&PTNT nhận định nguyên nhân là do công tác kiểm tra, giám sát tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói bị buông lỏng dẫn đến tình trạng kiểm soát không hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật mà nước nhập khẩu quan tâm. Từ đó, làm gia tăng số lượng các lô hàng vi phạm quy định của Trung Quốc, thậm chí có nguy cơ làm mất thị trường xuất khẩu quan trọng này.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, để bảo đảm việc tuân thủ quy định và tránh nguy cơ bị áp các biện pháp kiểm soát chặt chẽ từ phía Trung Quốc, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố bố trí đủ nguồn lực để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.
Tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến rộng rãi quy định của Trung Quốc, cũng như tài liệu hướng dẫn kỹ thuật của Cục Bảo vệ thực vật, để tổ chức và cá nhân tham gia sản xuất và xuất khẩu sang Trung Quốc biết và tuân thủ các biện pháp kỹ thuật, đảm bảo làm sạch sinh vật gây hại trên hàng hóa trước khi xuất khẩu.
“Đối với các trường hợp vi phạm quy định kiểm dịch thực vật theo thông báo từ phía Trung Quốc, Bộ sẽ tạm dừng đối với các mã số liên quan để điều tra nguyên nhân, áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp. Đồng thời, sẽ áp dụng biện pháp tạm dừng sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới các lô hàng xuất khẩu không đáp ứng yêu cầu của phía Trung Quốc và tái phạm nhiều lần trong quá trình kiểm tra kiểm dịch thực vật” – Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.