70 năm giải phóng Thủ đô

Xuất khẩu nông sản tăng trưởng khả quan

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc ký kết thành công nhiều hợp đồng xuất khẩu cùng với các mặt hàng nông sản chủ lực được giá đang giúp DN Việt Nam khởi sắc doanh thu. Đây là tín hiệu lạc quan dự báo năm 2022 xuất khẩu nông sản tiếp tục giữ vững mức tăng trưởng cao.

Nhộn nhịp đơn hàng, giá nông sản tăng

Là một trong những DN có lượng gạo xuất khẩu đều đặn trong những ngày qua, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình chia sẻ, hiện đơn vị đang tiếp tục thu mua và đóng gói cho đơn hàng 15.000 tấn gạo 100% tấm qua thị trường Hàn Quốc.

Hoạt động xuất khẩu gạo sang Hàn Quốc của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An.
Hoạt động xuất khẩu gạo sang Hàn Quốc của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An.

Ngoài thị trường Hàn Quốc, việc xuất khẩu gạo sang EU của DN này cũng tiếp tục có nhiều triển vọng do tác động tích cực từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Theo đó, nếu như năm ngoái Trung An chỉ xuất khẩu khoảng 100 container gạo ST 24, ST 25 thì năm nay dự kiến tăng lên gấp đôi. Về giá xuất khẩu, ông Phạm Thái Bình cho biết với gạo ST 24 vẫn ở mức khoảng 1.000 USD/tấn.

Nhiều DN xuất khẩu gạo khác cũng phấn khởi chia sẻ 2 tuần trở lại đây các đơn hàng xuất khẩu của họ đang tăng lên. Đáng chú ý, 2 thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam là Philippines và Indonesia đang đẩy mạnh thu mua sau khi thu hoạch mùa vụ và cân đối sản lượng của họ.

Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ trung tuần tháng 3/2022, xuất khẩu gạo nhộn nhịp hơn do nhu cầu lương thực của thế giới cao. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu cũng được dự báo tăng trở lại và ở mức tốt hơn khi các nhà nhập khẩu đẩy mạnh mua vào.

Một niềm vui nữa là từ sau Tết Nguyên đán đến nay, cả 4 thị trường lớn nhập mặt hàng cá tra Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc, EU và châu Á đều tăng lượng nhập khẩu. Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra tăng mạnh đạt 384 triệu USD, tăng 93% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là thời điểm "ăn nên làm ra" của các DN xuất khẩu cá tra.

Theo VASEP, giá cá tra xuất khẩu dự báo tăng khoảng 5% trong năm 2022
Theo VASEP, giá cá tra xuất khẩu dự báo tăng khoảng 5% trong năm 2022

Phó Tổng thư ký VASEP Tô Thị Tường Lan dự báo, giá xuất khẩu cá tra ở tất cả thị trường đều tăng, xuất khẩu cá tra trong năm 2022 tăng từ 20 - 25% so với năm 2021; giá cá tra xuất khẩu dự báo sẽ tăng khoảng 5%. Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu đang phục hồi, tăng trưởng tốt, chủ yếu ở 4 nhóm gồm: Trung Quốc (31%), Mỹ (23%), CPTPP (13%) và EU (6,6%).

Doanh nghiệp đối mặt nhiều thách thức

Mặc dù từ đầu năm đến nay xuất khẩu nông sản có được đà tăng trưởng tốt, song theo nhận định của các chuyên gia, hoạt động này trong thời gian tới sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức từ những yếu tố rủi ro khó lường của dịch Covid-19, lạm phát và đặc biệt là tình hình xung đột giữa Nga - Ukraine.

Đáng nói, giá cước vận tải biển chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giá thành sản xuất còn cao... vẫn là những thách thức mà các DN xuất khẩu nông sản phải đối mặt trong năm 2022.

Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định Bộ luôn sát sao chỉ đạo đơn vị chuyên môn tập trung tháo gỡ, xử lý các vướng mắc của thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc, Mỹ.

Riêng thị trường Trung Quốc với chính sách “Zero Covid”, thực tế vẫn có các lô hàng của DN Việt Nam bị cảnh báo liên quan tới Covid-19. Vì vậy, các DN cần đặc biệt lưu ý đến khâu bao gói, xếp hàng lên container... để đảm bảo trong kiểm soát dịch.

 

Năm 2022, ngành nông nghiệp cả nước đề ra mục tiêu tăng trưởng toàn ngành 2,8 - 2,9%; giá trị sản xuất tăng 2,9 - 3%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 49 tỷ USD.

Đưa ra giải pháp về đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thông qua nhiều chương trình xúc tiến thương mại số, Bộ tiếp túc hỗ trợ DN nói chung và DN xuất khẩu nông sản đẩy mạnh khai thác hiệu quả những hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký với các quốc gia, lãnh thổ, đặc biệt là FTA với Liên minh kinh tế Á - Âu; các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hiện Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Công Thương trong việc đánh giá, dự báo tình hình một cách kịp thời chính xác; cùng nhau tìm giải pháp ổn định sản xuất và cung ứng cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu hàng hóa nông sản. Đặc biệt là chú trọng trao đổi, đàm phán với các nước để đưa hàng nông sản của Việt Nam vào những thị trường này.

Ngoài ra, hai Bộ cũng đẩy mạnh việc hỗ trợ DN vừa thác tốt thị trường truyền thống vừa tiếp cận các thị trường mới. Cùng với đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, ách tắc trong xuất khẩu nông sản.