Xuất khẩu nông sản tiếp đà hồi phục tăng trưởng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông sản tháng 7/2023 của Việt Nam tiếp tục tăng. Tuy nhiên, tổng kim ngạch vẫn chưa thể theo kịp cùng kỳ năm trước.

Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu (XK) nông sản tháng 7/2023 ước đạt 4,62 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước (CKNT). So với CKNT, nhóm nông sản chính đạt 2,32 tỷ USD, tăng 27%; chăn nuôi đạt 45 triệu USD, tăng 35,6%; trong khi thủy sản đạt 800 triệu USD, giảm 15%; lâm sản đạt 1,24 tỷ USD, giảm 11%.

Tính chung 7 tháng đã qua của năm 2023, tổng kim ngạch XK ước đạt 29,13 tỷ USD, giảm 9,1% so với CKNT. Trong đó, giá trị XK nhóm thuỷ sản đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4%; lâm sản 7,79 tỷ USD, giảm 25,5%; đầu vào sản xuất đạt 1,13 tỷ USD, giảm 25,1%.

Xuất khẩu nông sản tiếp tục ghi nhận tăng trưởng trong tháng 7/2023.
Xuất khẩu nông sản tiếp tục ghi nhận tăng trưởng trong tháng 7/2023.

Điểm sáng trong xuất khẩu nông sản là nhóm nông sản chính đạt gần 14,99 tỷ USD, tăng 13,2 % so với CKNT. Nguyên nhân là bởi giá trị XK nhóm hàng rau quả 3,23 tỷ USD, tăng 68,1%; gạo 2,58 tỷ USD, tăng 29,6%; hạt điều 1,95 tỷ USD, tăng 9,8%; cà phê 2,76 tỷ USD, tăng 6%.

So với CKNT, sản phẩm chăn nuôi 7 tháng đã qua của năm 2023 cũng ước đạt 276 triệu USD, tăng 27,4%. Riêng giá gạo đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2%; cà phê 2.540 USD/tấn, tăng 12,8%.

Liên quan đến thị trường XK, tính chung 7 tháng đã qua của năm 2023, giá trị xuất khẩu nông sản nói chung tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 14,06 tỷ USD, tăng 2,3%; châu Phi đạt 573 triệu USD, tăng 14,1%.

Trong khi đó, XK nông sản sang thị trường châu Mỹ đạt 6,52 tỷ USD, giảm 29,2%; châu Âu đạt 3,29 tỷ USD, giảm 13,3%; châu Đại Dương đạt 408 triệu USD, giảm 25,6% so với CKNT.

Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường XK nông sản lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đã qua của năm 2023. Tuy nhiên, trong khi giá trị XK sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 21,9%, tăng 12,5% so với CKNT; thì tại hai thị trường còn lại đều giảm, cụ thể: Hoa Kỳ chiếm 20,4%, giảm 29,3% và Nhật Bản chiếm 7,6%, giảm 6,9%.