Xuất khẩu nông sản “trong nguy có cơ”

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù xung đột Nga - Ukraine kéo dài đã tác động tiêu cực đến nhiều ngành hàng xuất khẩu, song các DN Việt Nam vẫn có thể đẩy mạnh xuất khẩu nông sản nếu không bỏ lỡ lợi thế từ những Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Giá trị xuất khẩu vào châu Âu, Mỹ có thể tăng gấp đôi

Nhận định về những thuận lợi của ngành chế biến gỗ, Phó Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh Bùi Hữu Thêm cho biết, hiện Mỹ và châu Âu chiếm hơn 80% thị phần đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam, nhưng dư địa vẫn còn lớn. Do đó, nếu 2 thị trường này hạn chế, thậm chí ngưng nhập đồ gỗ của Nga là một lợi thế cho Việt Nam.

Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh minh họa
Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh minh họa

Các DN cần sớm có giải pháp để tận dụng cơ hội từ những ảnh hưởng của cuộc chiến. Nếu nhiều quốc gia không nhập gỗ từ Nga thì Việt Nam có thể tính khả năng tăng lượng nhập gỗ từ quốc gia này với mức giá tốt, đặc biệt Nga có nguồn cung gỗ thông khá lớn.

Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam, tận dụng việc các nước phương Tây tẩy chay hàng Nga, Việt Nam có thể nhập khẩu các sản phẩm từ Nga như: Phân bón, bột mì, sản phẩm từ dầu mỏ... với mức giá tốt hơn nếu có giải pháp thương mại hiệu quả, có tính đến những tác động của lệnh trừng phạt.

Chẳng hạn với mặt hàng gạo, thời điểm này là điều kiện tốt để Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu gạo và đa dạng nông sản, lương thực sang thị trường EU bằng cách tận dụng hết hạn ngạch xuất lúa gạo 80.000 tấn/năm với suất thuế quan 0% theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Cùng với đó, Việt Nam nên phát triển các loại gạo thơm cấp cao, giá trị cao đang được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng.

Đồng quan điểm, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng, nếu thị trường châu Âu, Mỹ tẩy chay sản phẩm Nga, DN Việt có thể tăng gấp đôi giá trị xuất khẩu vào châu Âu, Mỹ nếu tận dụng hiệu quả, đặc biệt những mặt hàng thế mạnh như: Xoài, chanh dây, rau ăn lá, rau gia vị… là các sản phẩm châu Âu đang rất cần.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Phúc Nguyên, DN Việt Nam phải tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bởi, thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ đều đòi hỏi chất lượng GlobalGAP hoặc tương đương, trong khi tỷ lệ sản phẩm rau quả của Việt Nam đạt tiêu chuẩn này đang còn khiêm tốn.

Tận dụng cơ hội

Đánh giá về cơ hội thị trường của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, TS Vũ Thanh Liêm - Nguyên Phó Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, xung đột Nga - Ukraine khiến các nước phương Tây áp dụng lệnh trừng phạt và các lệnh cấm lên hoạt động đầu tư, thương mại tại Nga. Điều này càng đẩy Nga ra xa khu vực này và buộc phải định vị lại các đối tác chiến lược ngoài Mỹ và phương Tây.

Ngoài ra, việc các chuỗi cung ứng hàng hoá của Nga với Mỹ, phương Tây ngưng trệ, đứt gãy (chủ yếu là năng lượng và thực phẩm) do lệnh trừng phạt, cấm vận cũng sẽ tạo cơ hội cho những nhà cung ứng khác.

"Việt Nam và các nước châu Á có thể tận dụng cơ hội này trong thương mại để tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu với không chỉ Nga mà còn là các nước khác trên thế giới. Đây là những nước mà Việt Nam đang có quan hệ thương mại và chịu tác động gián đoạn thương mại do cuộc chiến Nga - Ukraine. Đặc biệt một số mặt hàng thiết yếu như nông, lâm, thuỷ sản là thế mạnh của Việt Nam nên được chú trọng để đón đầu cơ hội này" - TS Vũ Thanh Liêm nhấn mạnh.

Đề cập đến giải pháp của ngành nông nghiệp, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho hay, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương phải giữ được nguồn cung nguyên liệu thủy sản cho chế biến, xuất khẩu trong bất cứ hoàn cảnh nào. Lợi thế của nước ta là có sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản rất lớn. Khi các thị trường thiếu hụt nguồn cung thì Việt Nam hoàn toàn chủ động hàng hóa để xuất khẩu, nhất là vào thị trường EU, Mỹ và Nga.

Đây cũng là thời điểm các DN cần tận dụng lợi thế của EVFTA và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA). Nhân cơ hội thuận lợi về ưu đãi, DN nên đẩy mạnh tất cả mặt hàng vào những nhóm thị trường này.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải khuyến cáo, để tận dụng tốt cơ hội, lợi thế xuất khẩu, các DN cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sản phẩm chất lượng cao để đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường thế giới. Song song với đó, chú trọng đổi mới quản trị, cơ cấu lại hoạt động sản xuất, liên kết chuỗi cung ứng, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu cao của các thị trường đối tác.

 

Xung đột Nga - Ukraine đẩy giá các loại lúa mì, ngũ cốc, nông sản khác tăng cao, người dân có thể tìm những sản phẩm tương đồng thay thế. Do đó, các DN Việt Nam cần theo sát diễn biến thị trường, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng sẽ tìm được cơ hội.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải