"Bùng nổ" cả về sản lượng và giá trị
Trung tuần tháng 10/2024, 2 lô dừa tươi của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị và Hà Khẩu. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung, các lô hàng dừa tươi Việt Nam đầu tiên xuất sang thị trường Trung Quốc đều có nguồn gốc từ Bến Tre. Đây là kết quả của quá trình đàm phán giữa hai nước trong việc thúc đẩy xuất, nhập khẩu hàng nông sản chất lượng cao, phát triển hợp tác thương mại theo chiều sâu.
Tăng trưởng mạnh nhất không thể không nhắc tới sầu riêng. Đây là mặt hàng ghi nhận sự bứt phá trong thời gian qua khi chỉ trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 3 tỷ USD, chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nhận định, sầu riêng là loại trái cây mang lại những kết quả xuất khẩu đầy bất ngờ. Dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay có thể chạm mốc 3,5 tỷ USD - một con số hiếm loại trái cây nào đạt được. Đặc biệt, sầu riêng đông lạnh cũng đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, mở ra nhiều cơ hội mới cho mặt hàng này trong thời gian tới.
Không chỉ có dừa tươi, sầu riêng, các sản phẩm khác như: chuối, xoài, thanh long và hàng chế biến cũng góp phần quan trọng vào thành tích chung của ngành hàng rau quả.
Thông tin từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy, trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả ước đạt 6,4 tỷ USD, vượt mức kỷ lục 5,7 tỷ USD của cả năm 2023. Điều đáng nói, hầu hết mặt hàng xuất khẩu đều tăng mạnh, như: sầu riêng, chuối, thanh long, dừa, xoài… Còn theo dự báo của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu rau quả năm nay có thể đạt hơn 7,5 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục của ngành hàng này từ trước tới nay khi tham gia thị trường xuất khẩu.
Phân tích yếu tố thúc đẩy ngành hàng rau quả xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết: trong tháng 8/2024, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết hai Nghị định thư về yêu cầu kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh và dừa tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Hay với thị trường Mỹ, các loại nông sản Việt Nam ngày càng được ưa chuộng, nhất là dừa, chanh dây. Đây là những cơ hội, dư địa rất lớn đối với ngành hàng chủ lực tỷ USD này.
Dư địa lớn, nhiều lợi thế cạnh tranh
Tại Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cuối tháng 9/2024, nhiều doanh nghiệp Việt chia sẻ đã ký hợp đồng xuất khẩu từ 30-50 container, thậm chí có đơn vị đạt thỏa thuận cung cấp 1.500 container cho đối tác nước bạn. Đây là tín hiệu tích cực cho tương lai ngành dừa Việt tại thị trường 1,4 tỷ dân.
Đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch được 12 loại trái cây sang thị trường Trung Quốc, gồm: sầu riêng, thanh long, chuối, xoài, mít, vải, nhãn, chôm chôm, măng cụt, vú sữa, dừa, chanh leo.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Việt Nam sẽ tiếp tục cung cấp sầu riêng trái vụ vào tháng 11 và 12, đảm bảo nguồn cung khi các nước khác không có hàng. Điều này tạo lợi thế cho Việt Nam, giúp giá sầu riêng tăng cao.
Ngoài ra, các loại trái cây khác cũng hưởng lợi khi bước vào mùa Đông là thời điểm nhiều nước gặp khó khăn trong thu hoạch, còn Việt Nam vẫn duy trì điều kiện thuận lợi để trồng rau quả. Đặc biệt, lợi thế về kết nối đường bộ, biển và đường sắt với Trung Quốc giúp tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển, tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt.
Các chuyên gia dự báo, đến năm 2025, lượng thị trường sầu riêng của Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD và cả thế giới là 28,6 tỷ USD. Nhu cầu tiêu thụ sầu riêng ở thị trường Trung Quốc rất lớn, cộng tất cả các nước xuất khẩu sầu riêng ở khu vực Đông Nam Á vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường này. Trong khi đó, so với các quốc gia trong khu vực thì sầu riêng của Việt Nam xuất sang Trung Quốc có nhiều lợi thế cạnh tranh về logistics và chất lượng.
Tuy nhiên, cùng với thuận lợi, ngành hàng rau quả cũng còn những thách thức không nhỏ. Việc duy trì, nâng cao chất lượng, tuân thủ nghiêm quy định về chất lượng, truy xuất nguồn gốc... đòi hỏi người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu phải chú trọng hơn nữa.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải nhận định: kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam mới chiếm khoảng 3% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả thế giới. Điều này đồng nghĩa với dư địa ngành hàng này rất lớn.
Do vậy, Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng các doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác tiếp thị, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu rau quả Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu; phân tích, cập nhật thông tin từ các thị trường để có định hướng sản xuất, chế biến trong nước phù hợp...