Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu rau quả năm 2022: Sẽ có nhiều khó khăn, thách thức

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, trong năm 2021, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 3,52 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu rau quả năm 2022: Sẽ có nhiều khó khăn, thách thức
Xuất khẩu rau quả năm 2022: Sẽ có nhiều khó khăn, thách thức

Tuy nhiên, năm 2022 được dự báo sẽ có nhiều thách thức đối với nhóm hàng rau quả xuất khẩu, đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước, DN cần linh hoạt thực hiện các giải pháp duy trì mục tiêu tăng trưởng.
Tăng trưởng mạnh, đa dạng thị trường
Thông tin Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2021, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam ước đạt 3,52 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả đạt được là do tình hình xuất khẩu tiếp tục xu hướng phục hồi từ tháng 10/2021, đặc biệt là tình hình sản xuất hàng rau quả trong những tháng cuối năm đã trở lại bình thường, trị giá xuất khẩu hàng rau quả được cải thiện.

Chế biến sản phẩm xuất khẩu tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm An Giang, tỉnh An Giang. Ảnh: Vũ Sinh
Chế biến sản phẩm xuất khẩu tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm An Giang, tỉnh An Giang. Ảnh: Vũ Sinh

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có thuận lợi khi DN tiếp tục khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), cùng với nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm. Dự kiến, hàng rau quả xuất khẩu trong tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 sẽ khả quan hơn.
Không chỉ tăng mạnh về kim ngạch, xuất khẩu rau quả của Việt Nam còn ghi nhận sự đa dạng về thị trường. Hàng rau quả của Việt Nam xuất khẩu tới hầu hết các thị trường chính đều tăng trong quý IV/2021như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Đáng chú ý, hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 2 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020, song tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường này lại giảm so với cùng kỳ năm 2020.
Lý giải về việc này, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản thông tin, do Việt Nam và Trung Quốc chưa ký Hiệp định thư xuất khẩu nông sản, nên hiện nay 100% hàng rau quả từ Việt Nam sang Trung Quốc đều phải chờ cơ quan hải quan phía Trung Quốc kiểm tra. Việc này sẽ gây ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc. “Do phải kiểm tra toàn bộ nên hàng được thông quan chậm hơn, tiêu thụ ít hơn nguồn cung thực tế. Nếu có ký kết Hiệp định thư, hàng rau quả của Việt Nam phải được đóng gói một cách chuyên nghiệp, truy xuất nguồn gốc tốt, bảo đảm đủ quy định Trung Quốc. Như vậy, hàng rau quả của nước ta sẽ xuất khẩu được nhiều hơn sang thị trường 1,4 tỷ dân này” - ông Nguyễn Quốc Toản phân tích.
Đối mặt nhiều thách thức
Nhận định về thị trường rau quả năm 2022, ông Trần Thanh Hải lưu ý: “Từ này 1/1/2022, Trung Quốc sẽ tiếp tục siết chặt điều kiện nhập khẩu nông sản và nhiều biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu sẽ được thực thi. Những yêu cầu từ phía Trung Quốc đang dần tiệm cận với những nước phát triển. Vì thế, DN cần lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt các quy định nhập khẩu của nước này để tránh bị ngưng trệ việc xuất khẩu".
Đối với EU, được kỳ vọng là thị trường tiềm năng lớn của hàng rau quả Việt Nam, bởi nhu cầu nhập khẩu sản phẩm rau, quả mới lạ có dinh dưỡng cao của EU từ khu vực nhiệt đới rất lớn và đang có tốc độ tăng trưởng cao. Thực tế, trong năm 2021, các DN trong nước đã năng động, kết nối xuất khẩu sang thị trường EU một số sản phẩm như: Nhãn, vải, mít, xoài tươi. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc đẩy mạnh xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường EU là không dễ, ngay cả khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho hàng Việt.
Đó là những rào cản do Việt Nam chưa có vùng trồng đủ lớn bảo đảm chất lượng, nguồn cung ổn định cho xuất khẩu sang EU. Các DN được chứng nhận quốc tế, chứng nhận đạt tiêu chuẩn vào EU còn ít. Công nghệ bảo quản, chế biến còn hạn chế, bao bì nhãn mác đóng gói thiết kế chưa thực sự phù hợp thị hiếu của người EU. Ngoài ra, chi phí cho vận chuyển cao, ảnh hưởng tới giá thành phân phối sản phẩm, làm giảm khả năng cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại của các nước khác tại thị trường EU.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, sức tiêu thụ ở thị trường nhập khẩu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn là thách thức lớn. Do đó, Bộ Công Thương đang tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT phân tích và đưa ra nhận định cụ thể về các thị trường, từ đó giúp người sản xuất và DN có định hướng trong sản xuất, xây dựng chiến lược kinh doanh, tận dụng lợi thế từ các FTA.
Đầu tư cho chế biến, nâng cao chất lượng
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng, xuất khẩu ngành hàng rau quả đang đi đúng định hướng, đó là không chạy theo số lượng, nâng cao chất lượng; duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống, khai thác thị trường lớn, tiềm năng; đồng thời, chủ động xây dựng vùng sản xuất, thương hiệu, tập trung cho chế biến.
Xuất khẩu nhóm ngành rau quả tăng trưởng mạnh, tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận Việt Nam chưa có nhiều mô hình sản xuất rau quả tập trung với quy mô lớn nên việc áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với từng hộ nông dân là rất khó khăn và tốn kém. Sản xuất rau quả an toàn theo hướng VietGAP hay Global GAP còn khá khiêm tốn (chiếm khoảng 10 - 15% trên tổng diện tích trồng trọt) nên DN gặp khó khăn trong huy động lượng hàng lớn, đạt tiêu chuẩn để thực hiện các đơn hợp đồng xuất khẩu.
Về vấn đề này, Giám đốc Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng chia sẻ, trái cây tươi, chất lượng tốt luôn có giá trị xuất khẩu cao, nhưng công nghệ thu hoạch, bảo quản, vận chuyển của Việt Nam còn hạn chế khiến nhiều loại sản phẩm khi đến các thị trường xa như châu Âu, Mỹ không còn tươi ngon, rất khó bán. Chính vì vậy, phát triển công nghiệp chế biến không chỉ là phát triển dây chuyền sấy, ép nước… mà còn phải đầu tư cho công nghệ xử lý, bảo quản sau thu hoạch và phát triển logistics phục vụ vận chuyển rau quả.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, việc đầu tư cho chế biến sẽ giúp ngành hàng rau quả tăng giá trị xuất khẩu. Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành đề xuất Chính phủ có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư để những khu vực sản xuất tập trung, hợp tác xã và các cơ sở, đại lý thu gom lớn đều có cơ sở sơ chế, đóng gói và kho mát bảo quản có quy mô và trang thiết bị phù hợp với đặc tính từng loại rau quả; đồng thời, khuyến khích đầu tư phát triển các trung tâm chiếu xạ thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho rau quả xuất khẩu sang các thị trường chất lượng cao trên thế giới.
Về phía địa phương, đây cũng là thời điểm rất cần vai trò của các tỉnh, TP trong tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch Covid-19 nhằm bảo đảm cung ứng đầy đủ và có chất lượng nguồn nguyên liệu nông sản nói chung và rau quả nói riêng phục vụ xuất khẩu. 

 

Để gia tăng giá trị từ ngành hàng rau quả, tháng 4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Ðề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8 - 10 tỷ USD. Trong đó, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến đạt 30% trở lên; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất rau quả bảo đảm nguyên liệu (khoảng 5 - 6 triệu tấn vào năm 2030) chất lượng, an toàn cho hoạt động chế biến.