Xuất khẩu sẽ phục hồi

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ nay đến cuối năm 2023, hoạt động xuất khẩu sẽ phục hồi nếu các DN nắm bắt tốt tín hiệu thị trường và chủ động kịch bản thích ứng để tận dụng tốt hơn các cơ hội xuất khẩu.

Đặc biệt là, DN cần tận dụng tối đa ưu đãi của 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang thực thi tại 60 thị trường lớn trên thế giới.

Giảm đơn hàng, giảm giá xuất khẩu

Thông tin từ Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 136,1 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, giá hàng hóa xuất khẩu giảm cũng là một trong những yếu tố làm giảm kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng năm 2023.

Trong đó, giá xuất khẩu bình quân nhiều mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm trước, như: chè giảm 7,9%, hạt điều giảm 1,5%, hạt tiêu giảm 34,3%, cao su giảm 21,1%, phân bón giảm 35,2%... Chỉ có một số ít mặt hàng có giá xuất khẩu tăng như: gạo tăng 7,9%, cà phê tăng tăng 3,5%, than đá tăng 38,5%...

Bốc xếp hàng xuất khẩu tại Cảng Nam Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: Công Hùng
Bốc xếp hàng xuất khẩu tại Cảng Nam Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: Công Hùng


Nhìn chung, các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu, do vậy kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng năm 2023 sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm.

Tuy nhiên mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng có sự khác nhau. Trong đó, những ngành hàng như: dệt may, da giày, gỗ, thủy sản với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU... có mức sụt giảm nhiều nhất; trong khi các ngành hàng như cao su, gạo, rau quả, hạt điều... với thị trường xuất khẩu chính là châu Á ít chịu tác động hơn.

Đáng nói, một số ngành hàng xuất khẩu như: thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại. Vấn đề chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng đã ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu cũng tạo ra những khó khăn về thị trường xuất khẩu.

Phân tích về tình hình xuất nhập khẩu, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết: 5 tháng năm 2023, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu với trị giá đạt 9,8 tỷ USD.

Con số này đang ở mức bình ổn, có ý nghĩa giúp Việt Nam ổn định cán cân ngoại hối. Mặc dù vậy, kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng năm 2023 vẫn tiếp đà giảm sâu, đã thể hiện rõ việc sụt giảm ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu.

Trong đó sụt giảm nhập khẩu lớn hơn, phản ánh tình hình sản xuất tiếp tục khó khăn nên nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu giảm. Thể hiện rõ nhất là các ngành dệt may, da giày, đồ gỗ vẫn tiếp tục khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng.

Những cơ hội phục hồi

Nhận định về tiềm năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương đánh giá, kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn dù có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng vì thế cũng tăng trở lại chưa nhiều.

Tuy nhiên, dự báo hoạt động xuất khẩu sẽ phục hồi tốt hơn vào nửa cuối năm nay do tồn kho hàng hóa tại các thị trường lớn, đặc biệt là tại Mỹ đã giảm đáng kể trong thời gian qua và các nhà nhập khẩu đang có dấu hiệu đặt hàng trở lại.

Đơn cử như Mỹ là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, hiện những các nhà bán lẻ lớn của nước này đã giải phóng gần hết lượng hàng tồn kho dư thừa và đang chuẩn bị bổ sung các kệ hàng bằng hàng hóa mới. Điều này mở ra kỳ vọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ sẽ cải thiện vào nửa cuối năm nay sau nhiều tháng sụt giảm liên tiếp.

Hiện nay, lạm phát đã giảm ở một số thị trường, các chuyên gia, nhà quản lý dự báo đây là cơ hội cho xuất khẩu hàng hoá tiêu dùng hồi phục trong những tháng tới. Với sự chủ động, sẵn sàng của DN, các đơn hàng xuất khẩu sẽ sớm được đáp ứng.

"Tình hình sụt giảm hiện nay thì chủ yếu là do vấn đề từ góc độ thị trường, còn đối với trong nước thì năng lực sản xuất của DN hiện nay vẫn rất là tốt, không bị những yếu tố ảnh hưởng như dịch bệnh hay các yếu tố về đứt gãy nguồn cung nguyên liệu. Đây là thuận lợi để giúp cho DN có thể sẵn sàng phục hồi sản xuất và xuất khẩu khi mà thị trường được cải thiện" - ông Trần Thanh Hải nhận định.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường có FTA mới chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng kịp ngạch nhập khẩu của các trường này.

Trong đó, hơn 1/3 lượng hàng hóa mới tận dụng được ưu đãi hưởng thuế và xuất xứ hàng hóa. Do vậy, còn nhiều dư địa để DN Việt Nam chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao hàm lượng giá trị sang các thị trường tiềm năng.

Riêng đối với mặt hàng nông sản, Bộ NN&PTNT đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương đẩy mạnh phát triển thị trường, hỗ trợ DN ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Hiện tại, Bộ NN&PTNT đang tổ chức các đoàn công tác làm việc với tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Sắp tới, Bộ sẽ tổ chức kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ rau gia vị sang thị trường châu Âu...

Tận dụng FTA, đa dạng hóa thị trường

Khuyến nghị về các giải pháp hỗ trợ DN, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn nhận định: nhiều yếu tố chủ quan mà Việt Nam có thể làm, đó là cắt giảm chi phí trong lĩnh vực xuất khẩu.

Cùng với việc giảm thuế, hoãn thuế, Nhà nước có thể giảm các loại phí và hỗ trợ DN tìm kiếm những thị trường mới. Bên cạnh đó, tận dụng tốt những hiệp định thương mại tự do đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết thêm các hiệp định mới cũng mà các bộ, ngành cần tập trung triển khai; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

“Xuất nhập khẩu tác động trực tiếp tới công ăn việc làm và thu ngân sách. Do đó, những giải pháp hỗ trợ DN duy trì được động lực sản xuất, xuất khẩu là một trong những trọng tâm để bảo đảm tăng trưởng của cả nền kinh tế trong thời gian tới” - ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Trước bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, Bộ Công Thương đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường thế giới, tham mưu, đề xuất các khung khổ hợp tác, các giải pháp để đồng thời phát triển thị trường truyền thống và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, hỗ trợ DN tận dụng các FTA đã ký kết khai thác hiệu quả các thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, bộ đã và đang liên tục tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại hằng tháng để cung cấp các thông tin thị trường và tìm giải pháp gỡ khó cho DN xuất nhập khẩu.

Cùng với đó, bộ sẽ tập trung các giải pháp phát triển thị trường khu vực Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ Latinh và những thị trường mới còn nhiều dư địa khai thác. Đồng thời, bộ thúc đẩy đàm phán các FTA mới với các nước Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay; đặc biệt, tranh thủ sự hồi phục nhanh của các thị trường khu vực ASEAN và một số nước châu Á để đẩy mạnh xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã đánh giá toàn diện các biện pháp mở cửa trở lại của Trung Quốc; tận dụng cơ hội giao lưu hợp tác giữa hai bên để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa không phải kiểm nghiệm Covid-19, từ đó nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan tại cửa khẩu.

Đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu, để duy trì đà tăng trưởng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khuyến cáo DN cần đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, nhất là chế biến sâu, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong tình hình mới; song song đó, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP...

 

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn phía trước, các DN rất cần sự quan tâm, trao đổi, phối hợp giữa các Thương vụ Việt Nam với cơ quan xúc tiến thương mại, các bộ, ngành, địa phương và các DN để kịp thời nắm bắt được các thông tin thị trường, sản phẩm cũng như những quy định ngày càng có nhiều thay đổi, thường xuyên và khắt khe hơn, để hoạt động xuất khẩu hàng hóa được thuận lợi hơn trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần