Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu tăng: Tận dụng lợi thế từng vùng

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuất khẩu tăng cao, đạt quy mô lớn là một điểm nhấn nổi bật những tháng qua và kỳ vọng của cả năm nay. Trong đó, các địa phương đóng góp lớn vào kết quả này.

Kim ngạch xuất khẩu tăng tại nhiều địa phương
2 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 33,62 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2017 giúp cả nước đạt mức xuất siêu 1,08 tỷ USD. Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 63 tỉnh, TP, có 40 địa bàn xuất khẩu đạt trên 100 triệu USD, trong đó có 24 địa bàn đạt trên 200 triệu USD. Đặc biệt có 7 địa bàn đạt trên 1 tỷ USD. Chỉ với 7 địa bàn này đã đạt 24,06 tỷ USD, chiếm trên 69,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong đó, có 2 địa bàn còn có tiềm năng tăng với tốc độ cao hơn nữa (Bắc Ninh tăng 87,3%, Hải Phòng tăng 35,5%). Bắc Ninh cùng kỳ năm trước mới đạt 2,86 tỷ USD, đứng thứ 4 cả nước (sau TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên và Bình Dương), thì kỳ này đã vượt lên đứng thứ 2 nhờ có tốc độ tăng rất cao và chiếm 15,5% cả nước. Nếu tỷ lệ so với cả năm của 2 tháng năm nay cũng đạt như cùng kỳ năm trước (9,1%), thì cả năm nay kỳ vọng có thể vượt qua mốc 58 tỷ USD. Tiếp đến là Thái Nguyên (đứng thứ 3), Bình Dương (thứ 4) và Đồng Nai (thứ 5).

Hà Nội cùng kỳ năm trước đạt 1,67 tỷ USD, đứng thứ 6 trong cả nước. Hai tháng đầu năm nay tăng 10,1%, tiếp tục đứng thứ 6 và chiếm 5,3% của cả nước. Nếu tỷ lệ so với cả năm của 2 tháng năm nay bằng với cùng kỳ năm trước (14,3%), thì kỳ vọng cả năm sẽ cán mốc 12,9 tỷ USD.
 Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Internet.
7 tỉnh, TP đóng góp lớn vào tổng mức tăng xuất khẩu

So với tổng kim ngạch xuất khẩu 2 tháng năm 2017 đạt gần 27,43 tỷ USD, năm nay, xuất khẩu 2 tháng đã tăng 619 triệu USD. Có 7 địa phương đóng góp lớn (trên 200 triệu USD) vào tổng mức tăng của cả nước.

Đứng đầu danh sách là Bắc Ninh, với mức tăng 2,49 tỷ USD, chiếm tới 35% tổng mức tăng của cả nước. Tổng mức tăng của Bắc Ninh cao nhất một phần do vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cao, chủ yếu do vốn đầu tư được triển khai thực hiện nhanh, sớm đưa vào sản xuất ra sản phẩm, xuất khẩu với kim ngạch và thị trường lớn. Giống như Bắc Ninh, xuất khẩu của Thái Nguyên tăng cao có một phần do vốn đầu tư nước ngoài, giúp Thái Nguyên đứng thứ 2, với mức tăng 777,4 triệu USD, chiếm 10,9% tổng mức tăng của cả nước.

Đứng thứ 3 trong danh sách là TP Hồ Chí Minh, với mức tăng 500,5 triệu USD. Do có quy mô lớn, nhưng tốc độ tăng so với cùng kỳ thấp (10,2%) do vậy TP Hồ Chí Minh cần tích cực chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu, tăng tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ. Trong xuất khẩu hàng hóa cần tăng tỷ trọng hàng có kỹ thuật - công nghệ cao, công nghệ sạch, tăng tỷ trọng hàng nông nghiệp sạch, nông nghiệp kỹ thuật cao... Đứng thứ 4 là Bình Dương, tăng 489,6 triệu USD. Lợi thế của Bình Dương là có lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn (tính đến cuối tháng 2/2018 đạt khoảng 28,2 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước), phát triển đa ngành, mặt hàng đa dạng, phong phú. Vấn đề đặt ra là cần có mặt hàng mũi nhọn. Hải Phòng đứng thứ 5, với mức tăng 378,1 triệu USD. Đây là nỗ lực của Hải Phòng, tuy mới tham gia “Câu lạc bộ các địa bàn đạt trên 1 tỷ USD” vào năm 2017. Đứng thứ 6 là Đồng Nai, với mức tăng 341,9 triệu USD. Đây là nơi có lượng vốn FDI lớn (tính đến cuối tháng 2/2018 đạt gần 27 tỷ USD); có cơ cấu phong phú, đa dạng. Vấn đề cần có mặt hàng trọng điểm. Vị trí thứ 7 thuộc Hải Dương, với mức tăng 223,8 triệu USD. Hải Dương tăng cao có một phần do có lượng vốn FDI cao. Một nguyên nhân quan trọng là Hải Dương đã phát huy thế mạnh về nông nghiệp, trong đó có đặc sản vải thiều, trong khi xuất khẩu rau quả của Việt Nam đang tăng tốc.

Ngoài 7 địa bàn trên, còn có một số địa bàn tăng khá đóng góp vào tổng mức tăng chung của cả nước, như Bà Rịa - Vũng Tàu, Lạng Sơn, Hà Nội, Long An.