Xuất khẩu thép nắm cơ hội bứt phá

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi nhiều ngành hàng xuất khẩu tỷ USD bị thiệt hại lớn do tác động của dịch Covid-19, xuất khẩu thép Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng dương với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 đạt 3,4 triệu tấn, tăng 84,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, ngành thép xuất khẩu Việt Nam đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do việc phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu và nguy cơ cao gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Giá nguyên liệu đầu vào tăng phi mã

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), thị trường thép 6 tháng đầu năm 2021 đã phục hồi tích cực, tăng trưởng sản xuất thép thô toàn cầu tăng 14,5% so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, giá cả nguyên liệu sản xuất thép và thép thành phẩm diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng kể từ cuối năm 2020.

Hầu hết nguyên liệu như: Phôi, thép phế liệu, điện cực graphite, than mỡ luyện coke, quặng sắt 62% Fe… đều tăng giá mạnh. Nửa đầu tháng 7/2021, thị trường nguyên liệu sản xuất thép vẫn tiếp đà tăng. Đơn cử như, giá quặng sắt loại 62% Fe nhập từ Trung Quốc đang giao dịch ở mức 221,75 - 222,25 USD/tấn, tăng khoảng 20 USD/tấn; giá than mỡ luyện cốc khoảng 200 USD/tấn, tăng 33 USD so với thời điểm 1 tháng trước đó. Đặc biệt, giá điện cực graphite trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng rất mạnh, giá than điện cực của Trung Quốc đã tăng khoảng 30% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6/2021.
 Sản xuất thép tấm tại Công ty TNHH Siam Steel Viet Nam, khu công nghiệp Hải Dương. Ảnh: Trần Việt
Theo phản ánh của nhiều DN, giá quặng sắt đã tăng gấp hơn 2 lần trong năm 2020 và trở thành mặt hàng có mức tăng giá mạnh nhất trên toàn cầu năm thứ hai liên tiếp trong bối cảnh nhu cầu mua nguyên liệu tăng cao trên thế giới. 6 tháng đầu năm 2021, giá quặng sắt vẫn tiếp tục trên đà tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Dự báo giá nguyên liệu sẽ còn tăng nữa trong những tháng cuối năm 2021 vì các nước đều lo ngại nguồn cung bị gián đoạn do dịch Covid-19.

Sở dĩ các DN ngành thép lo ngại như vậy vì giá quặng sắt chiếm 30 - 35% chi phí sản xuất thép. Vì vậy, khi giá nguyên liệu tăng sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm và lợi nhuận của DN. Đại diện Công ty CP Đại Thiên Lộc chia sẻ, giá nguyên liệu đầu vào đang tăng mạnh. Đơn cử, giá thép cuộn cán nóng năm 2020 khoảng 360 USD/tấn nhưng hiện nay, đơn hàng giao tháng 6/2021 có giá gần 850 USD/tấn. Thời gian tới, nếu Trung Quốc tăng mức hoàn thuế xuất khẩu một số sản phẩm thép lên 13% thì giá thép cán nóng có thể vọt lên 900 USD/tấn.

Gia tăng rủi ro bị kiện phòng vệ thương mại

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ tính riêng năm 2020, sản phẩm thép xuất khẩu phải đối mặt với 13 vụ việc điều tra, áp dụng phòng vệ thương mại, trong đó có 9 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và 3 vụ việc điều tra chống trợ cấp. Các sản phẩm bị điều tra gồm: Thép cốt bê tông, thép không gỉ cán nguội, thép mạ nhôm, ống thép hàn không gỉ, thép mạ nhôm kẽm, thép chống ăn mòn, thép cuộn không gỉ cán phẳng, thép cuộn phẳng mạ nhôm kẽm, thép cuộn cán nguội không hợp kim… Phần lớn các quốc gia khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại đều là các thị trường chính trong xuất khẩu thép của Việt Nam và hầu như có chung hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam như Canada, Thái Lan, Malaysia, Australia, EU…

Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Lê Triệu Dũng cho biết, trong những năm gần đây, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại khởi xướng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng ngày càng gia tăng. Tính đến nay, Việt Nam đã bị các nước điều tra 203 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu, trong đó sản phẩm thép vẫn là sản phẩm bị điều tra nhiều nhất, chiếm gần 40% các vụ việc. Điều này là do các nước đều có chủ trương phát triển ngành sản xuất nội địa trong khi thép là ngành công nghiệp cơ bản. Bên cạnh đó, thép cũng là đầu vào của nhiều ngành khác nhau, cho nên khi khởi kiện, áp thuế cho sản phẩm thép tức là gián tiếp bảo hộ ngành hạ nguồn.

Hiện, Trung Quốc là quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc thép Trung Quốc là đối tượng của nhiều vụ việc phòng vệ thương mại. Do đó, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam cùng chủng loại với Trung Quốc cũng có nhiều khả năng bị các nước chú ý điều tra để chống lẩn tránh thuế. Đó là chưa kể, ngành thép Việt Nam hiện đang phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, kể cả cán nóng, thép phế… nên trong một số vụ việc bị các nước coi là “lẩn tránh” biện pháp phòng vệ thương mại khi sử dụng thép nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

“Việt Nam thường xuyên bị kiện chung với một số nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ… là các nước xuất khẩu thép lớn trên thế giới. Do đó, khi có sự nghi ngờ, cáo buộc với một trong số các nước nêu trên, cơ quan điều tra nước nhập khẩu thường có xu hướng kiện cả Việt Nam. Ngoài ra, việc Việt Nam bị một nước điều tra có thể dẫn tới “hiệu ứng domino”, tức là các nước khác cũng tiếp tục kiện Việt Nam với cùng sản phẩm” - ông Lê Triệu Dũng phân tích.

Chủ động ứng phó, tận dụng cơ hội từ các FTA

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc quan trọng là phải tiếp tục tuyên truyền phổ biến quy định về phòng vệ thương mại để các DN, hiệp hội hiểu rõ, từ đó có các kỹ năng cơ bản đủ để sử dụng hiệu quả công cụ này.

Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang khẳng định: “Nếu xử lý, ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại đạt kết quả tích cực sẽ giúp DN Việt Nam không bị áp thuế hoặc áp thuế thấp, giảm thiểu tác động tiêu cực tới xuất khẩu. Thậm chí trong một số trường hợp, các DN còn tận dụng được mức thuế phòng vệ thương mại thấp để tăng trưởng xuất khẩu”.

Bộ Công Thương đang xây dựng hệ thống cảnh báo sớm để theo dõi thông tin cập nhật số liệu nhằm đưa ra cảnh báo kịp thời cho DN xuất khẩu có giải pháp phòng ngừa vụ việc. Bộ Công Thương khuyến cáo, trong quá trình có vụ kiện phòng vệ thương mại xảy ra, quan trọng nhất là DN cần chủ động tham gia, xử lý. Sự hợp tác giữa các bộ ngành, địa phương, Hiệp hội Thép Việt Nam khi xảy ra vụ việc vô cùng quan trọng để đáp ứng đúng quy định của nước nhập khẩu, kịp thời có ý kiến để bảo vệ DN xuất khẩu, đồng thời xem xét khả năng khiếu nại ở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Ông Lê Triệu Dũng cho rằng, trong quá trình xuất khẩu, DN luôn theo sát thông tin, thường xuyên trao đổi thông tin với đối tác nhập khẩu, nhất là những thông tin về rào cản thương mại có nguy cơ áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu. Cùng với đó, DN cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, tránh quá tập trung vào một thị trường để giảm thiểu rủi ro khi vụ việc bị áp thuế ở mức khá cao.

Về vấn đề giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, cơ hội từ hội nhập và việc thực thi các FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) không chỉ gỡ bỏ thuế quan cho sản phẩm thép mà còn mở rộng thị trường nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia có lợi thế về quặng sắt như Australia.
Ngoài ra, hơn 50% lượng sắt thép phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất phôi cũng là từ các nước thuộc CPTPP. Do đó, DN ngành thép có thể tận dụng cơ hội, mở rộng thị trường và đối tác hợp tác nhập khẩu để chủ động hơn trong vấn đề nguồn nguyên liệu đầu vào.

"Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và hiệp hội liên quan, trong đó có Hiệp hội Thép để thực hiện nhiệm vụ kháng kiện, trao đổi song phương với các cơ quan cùng cấp tại các nước nhập khẩu. Trong đó, yêu cầu các quốc gia tuân thủ quy định của WTO cũng như các điều khoản ký kết trong các FTA khi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để hỗ trợ DN Việt Nam khi ứng phó kịp thời với các vụ kiện ở nước ngoài, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho DN trong nước." - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh