Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu thiệt gần 2 tỷ USD vì giá giảm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I năm nay tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2015, chứ không phải chỉ tăng 4,1%.

Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Nếu loại trừ yếu tố giá, thì kim ngạch xuất khẩu quý I năm nay đạt 39,8 tỷ USD, chứ không phải chỉ đạt 37,9 tỷ USD. Theo đó, do giá giảm 4,8%, mà kim ngạch xuất khẩu bị thiệt hại 1,91 tỷ USD, tương đương với gần 44.000 tỷ đồng.

Sự thiệt hại do giá xuất khẩu bị giảm được tính cụ thể cho các nhóm mặt hàng chủ yếu như sau: Đứng đầu là dầu thô, do giá giảm 41,15%, đã làm giảm 312 triệu USD; Cà phê do giá giảm 18,8%, đã làm giảm 178 triệu USD; Thủy sản giá giảm 7,74% (giảm 108,4 triệu USD); Sắt thép giảm 30,8% (giảm 160 triệu USD);… Giá xuất khẩu giảm đã gây ra thiệt hại cho kim ngạch xuất khẩu của đất nước, gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu, đồng thời gây thiệt thòi cho người sản xuất ra các mặt hàng này. Vấn đề đặt ra là các chủ thể trên thị trường cần có các giải pháp phòng vệ và tính toán để lựa chọn các giải pháp.

Người sản xuất không chỉ tăng lượng sản xuất để bù cho sự sụt giảm về giá, mà có thể cơ cấu lại mặt hàng sản xuất, giảm chi phí sản xuất, tăng chế biến để bảo quản tốt hơn, dài hơn. Các nhà xuất khẩu cần cân nhắc thời điểm, thị trường để điều chỉnh lượng hàng dự trữ hay xuất khẩu tùy theo giá cả để giảm bớt thiệt thòi về giá cả. Nhà nước cần giúp cho người sản xuất, xuất khẩu trong việc dự báo thị trường, giá cả; có biện pháp hỗ trợ tạm trữ không lãi suất hay với lãi suất thấp.