Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu thủy sản đối mặt nhiều thách thức

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) chưa được gỡ bỏ, chi phí logistics tăng cao... là những thách thức lớn mà xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang phải đối mặt. Điều này cho thấy, nếu không kịp thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ, ngành hàng thủy sản khó có thể đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 8,8 tỷ USD trong năm nay.

Khó khăn bủa vây
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản đạt gần 4,1 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu tăng trưởng mạnh như: Tôm đạt 1,7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020; cá tra đạt 788 triệu USD, tăng 18%; các sản phẩm hải sản đạt 1,6 tỷ USD, tăng 16%... Kết quả này là nhờ sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và những thị trường tiềm năng khác, đặc biệt là sự nỗ lực của DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã tận dụng tốt các hiệp định thương mại.
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu thủy sản cũng gặp không ít rào cản. Phân tích về những khó khăn mà các DN thủy sản đang phải đối mặt, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cho biết, mặc dù kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng nhưng DN không có nhiều lợi nhuận do chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng nhanh hơn so với giá bán bình quân. Cùng với đó chi phí logistics vẫn đang ở mức cao. Từ khi dịch Covid-19 xảy ra, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nhu cầu sụt giảm và thay đổi, có tới 20 - 40% đơn hàng đã ký hợp đồng bị hủy, đơn hàng đã giao thì bị chậm thanh toán dẫn đến việc DN thiếu vốn quay vòng trong đầu tư.  
 Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn (Ảnh minh họa)
Đáng chú ý, hiện nay, các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn như: Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều yêu cầu chặt chẽ về kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Một số thị trường tăng cường kiểm soát hàng đông lạnh (bao bì, bề mặt tiếp xúc với thực phẩm), số lô hàng bị cảnh báo gia tăng. Trong khi đó, cảnh báo thẻ vàng về quy định khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của EC vẫn chưa được gỡ bỏ, tiếp tục tác động tiêu cực đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU, đa dạng hóa khâu logistics
Mặc dù phía EC ghi nhận những nỗ lực và tiến bộ của Việt Nam trong việc thực hiện IUU, nhưng việc khắc phục các tồn tại vẫn chưa đạt yêu cầu. Do đó, cảnh báo thẻ vàng IUU với thủy sản Việt Nam đang được tiếp tục gia hạn chứ chưa được gỡ bỏ. Nhiều chuyên gia nhận định, đứng trước những thách thức không nhỏ đó, đòi hỏi ngành thủy sản phải sớm xây dựng quy hoạch nuôi hợp lý, nâng cao công nghệ chế biến và thúc đẩy xuất khẩu. Cần có biện pháp vận động ngư dân tuân thủ hoạt động đánh bắt theo quy định, không vi phạm IUU.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, mục tiêu của ngành thủy sản là giảm tỷ lệ khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng; đồng thời tập trung phát triển lĩnh vực bảo quản, chế biến nhằm giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch, nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm.
Mặt khác, ngành thủy sản sẽ quyết liệt thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về IUU, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu; đồng thời đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ về giống, nuôi trồng, thú y phòng bệnh.
Đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn về logistics cho ngành thủy sản, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng: “Việc đa dạng hóa thị trường trong khâu logistics là một giải pháp DN cần tính đến, nhằm giảm bớt yếu tố phụ thuộc cũng như tác động của trường hợp tăng giá cước tàu biển như vừa qua. Ví dụ trong vận chuyển đi châu Âu, ngoài phương thức về đường biển thì chúng ta đã có phương thức vận chuyển bằng đường sắt thông qua tuyến liên vận đi qua Trung Quốc, Kazacstan, Belarus, Nga và qua châu Âu”.
Về giải pháp chiến lược, hiện, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Công Thương trong việc thực hiện cơ cấu lại các DN chế biến, xuất khẩu thủy sản theo mô hình kinh tế tuần hoàn, theo chuỗi an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu giám sát an toàn thực phẩm của thị trường. Đồng thời, xây dựng thương hiệu các mặt hàng thủy sản Việt Nam nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.