70 năm giải phóng Thủ đô

Xuất khẩu thủy sản giảm phong độ, đứng trước hàng loạt thách thức

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 10 tỉ USD ngay trong tháng 11. Tuy nhiên, sau giai đoạn tăng trưởng bùng nổ năm 2022, ngành thủy sản được dự báo sẽ chịu tác động kép của lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Cạnh tranh gay gắt

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã phục hồi hoàn toàn sau dịch Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm thủy sản đều tăng trưởng ở mức hai con số, bình quân 18 – 77%. Ước tính đến cuối tháng 11, xuất khẩu thủy sản sẽ đạt 10 tỉ USD và dự kiến trong năm nay cán mốc 11 tỉ USD. Đây là tín hiệu khả quan cho thấy trong thời điểm khó khăn, DN thủy sản vẫn tìm thấy được cơ hội, vượt qua được thách thức.

Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe đánh giá: Bức tranh 11 tháng đầu năm khá sáng, nhưng tình hình xuất khẩu thủy sản bắt đầu chững lại khi sức mua giảm, lãi suất tăng, tỷ giá biến động. Kinh tế thế giới bước vào suy thoái, lạm phát cao đang làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân toàn cầu. Do đó, thời gian tới, ngành thủy sản tồn kho sẽ tăng và cạnh tranh gay gắt từ những đối thủ có chi phí và giá bán rẻ như Ecuador hay Ấn Độ.

Dự báo hết năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cán mốc 11 tỷ USD. Ảnh: Hồng Thắm
Dự báo hết năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cán mốc 11 tỷ USD. Ảnh: Hồng Thắm

Mặt khác, lãi suất ngân hàng được điều chỉnh tăng cao theo tình hình lạm phát chung, DN sẽ khó tiếp cận được nguồn vốn vay để tái sản xuất, hàng tồn kho nhiều khó xoay được vòng vốn.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển cho rằng, không chỉ quý cuối năm nay mà bối cảnh kinh tế thế giới 2023 dự báo tiếp tục xấu đi. Ngành thủy sản sẽ là nhóm chịu ảnh hưởng trực tiếp, đơn hàng có thể chậm lại. Trừ Mỹ, tỉ giá tại các thị trường lớn đang giảm khiến giá xuất khẩu có thể cao ở EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngành thủy sản sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu qua các nước này bởi khách hàng sẽ yêu cầu giảm giá để phù hợp với nội tệ của họ.

“Lượng hàng tồn kho tăng, trong khi khâu bảo quản, logistics vẫn là điểm yếu của phần lớn DN trong ngành. Đặc biệt, với đặc thù phải huy động nhiều vốn vay, nên không ít DN đang gặp nhiều khó khăn; lãi suất tăng mạnh cũng ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh và chi phí vốn của các DN” – ông Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.

Chia sẻ những khó khăn thực tế ở DN, Giám đốc Tài chính kiêm kế toán trưởng công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú (Hậu Giang) Lê Bảo Toàn cho biết: Lãi suất vay năm nay cao hơn nhiều so với năm trước. Ngoài ra, vấn đề tỷ giá cũng đang gây trở ngại khi không ngừng tăng cao, làm chênh lệch tỷ giá của DN 10 tháng năm 2022.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản Thuận Phước Trần Văn Lĩnh cho hay: Xuất khẩu tôm nửa cuối năm và đầu năm 2023 của công ty khá ảm đạm vì thiếu nguyên liệu, thiếu vốn. Trường hợp DN mua được nguyên liệu, làm ra sản phẩm cũng không biết bán cho ai vì lạm phát cao kỷ lục ở Mỹ và EU, đồng tiền mất giá và người dân thắt chặt chi tiêu.

“Hiện ngành tôm Ấn Độ, Ecuador đang tích cực nuôi tôm và đầu tư cho chế biến sâu, nếu DN ngành tôm Việt không nâng cấp sản phẩm và thiếu chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì ngành này khó cạnh tranh được với các đối thủ, thậm chí đi lùi” – ông Trần Văn Lĩnh lo lắng.

Nâng cao tính chuyên nghiệp

Ông Trương Đình Hòe nhận định, năm 2023, ngành thủy sản của Việt Nam sẽ còn khó khăn hơn. Để vượt qua thách thức và khai thác lợi thế, ngành thủy sản cần nâng cao tính chuyên nghiệp.

Trước hết, cần chủ động trong cả nguyên liệu và sản xuất. Thứ hai là tính linh hoạt, kiên trì với thị trường, xu hướng tiêu dùng. Thứ ba là tính hiện đại, DN thuỷ sản Việt đã theo đuổi mục tiêu này nhiều năm.

Theo ông Trương Đình Hòe, tính hiện đại cũng là điều giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có trình độ chế biến cao trên thế giới. Cuối cùng là tính bền vững bao gồm sản xuất xanh đi kèm trách nhiệm xã hội.

Song song, các DN cần cải tiến, đầu tư công nghệ sản xuất xanh, sạch, nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua rào cản của các thị trường xuất khẩu. Đây là vấn đề cấp thiết của DN ngành thủy sản. Hiện nay, CE, UL là các tiêu chuẩn sản xuất cao nhất của châu Âu, Mỹ, kho lạnh của DN đạt được các tiêu chuẩn này sẽ tự tin xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới.

 

"Trước những dự báo không mấy bằng phẳng của ngành thủy sản, Nhà nước cần áp dụng song song chính sách tài chính và tài khóa, trong đó tập trung vào giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận với nguồn vốn vay lãi suất thấp, giảm hoặc hoãn nghĩa vụ thuế để chia sẻ gánh nặng cùng DN. " - Chủ tịch VASEP Trương Đình Hòe

Hiến kế thêm cho ngành thủy sản, bà Lâm Tố Trinh - Phó Giám đốc đổi mới sáng tạo và phát triển kinh doanh, công ty TNHH NS BlueScop Việt Nam cho rằng: Đối với DN thủy sản, bên cạnh duy trì chất lượng sản phẩm cá tôm còn phải duy trì chất lượng kho bãi. Bởi nếu kho bãi rỉ sét, phai màu, hình ảnh thương hiệu không tốt sẽ ảnh hưởng đơn hàng đổ về nhà máy, xếp hạng thấp, mất tính cạnh tranh, ảnh hưởng thương hiệu và hiệu quả đầu tư lâu dài của DN. Khi đầu tư kho bãi, tấm bao che xây dựng thương hiệu, hình ảnh công trình là rất quan trọng.