Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu thủy sản năm 2022: Bứt phá với mục tiêu 10 tỷ USD

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Bức tranh" xuất khẩu 9 tháng năm 2022 của ngành thủy sản Việt Nam đã chứng tỏ khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới. Thời điểm này, bộ, ngành, DN đang nỗ lực vượt thách thức, duy trì đà tăng trưởng nhằm sớm cán đích mục tiêu 10 tỷ USD.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại tỉnh Cần Thơ. Ảnh Phạm Hùng 
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại tỉnh Cần Thơ. Ảnh Phạm Hùng 

Nhiều mặt hàng tăng trưởng mạnh, đạt tỷ USD

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 9 tháng năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã đạt 8,5 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021. Để có được kết quả trên, đóng góp lớn nhất thuộc về 2 sản phẩm thủy sản chính là tôm và cá tra với mức tăng trưởng ấn tượng.

Cụ thể, tôm đóng góp khoảng 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản, sau chặng đường 9 tháng đã mang về gần 3,4 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021. Cá tra có giá xuất khẩu bình quân sang các thị trường trong 9 tháng đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021, với doanh thu xuất khẩu 2 tỷ USD, tăng 82% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, một số nhóm sản phẩm từ các loài hải sản cũng mang về doanh thu xuất khẩu ấn tượng như: Cá ngừ đạt 729 triệu USD, cũng tăng 55% so với cùng kỳ; các sản phẩm từ các loài cá biển khác mang về kim ngạch 1,35 tỷ USD, tăng 23%; những sản phẩm như cá cơm, cá nục, cá hồi, surimi đóng góp doanh số từ 100 - 300 triệu USD...

Về thị trường trong 9 tháng, Mỹ vẫn là thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 1,8 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường đứng thứ hai, nhưng đây lại là thị trường có tăng trưởng cao nhất 76% đạt 1,35 tỷ USD trong 9 tháng qua. Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản sang khối các nước thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 41%; xuất khẩu thủy sản sang Liên minh châu Âu (EU) đã vượt 1 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ.

Dù mức tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản 3 tháng gần đây có xu hướng giảm dần nhưng VASEP dự báo đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD như kỳ vọng của toàn ngành và mục tiêu mà Bộ NN&PTNT đề ra từ đầu năm. Tháng cuối cùng của năm 2022 sẽ là thời điểm các DN hướng tới mục tiêu tăng trưởng vượt kế hoạch.

“Năm nay, ngành thủy sản có thể lần đầu tiên vượt mốc xuất khẩu trên 10 tỷ USD và sẽ tăng khoảng 12 - 15% so với năm 2021. Trong đó, sản phẩm nuôi trồng thủy sản là cá tra và tôm sẽ chiếm khoảng 65%, sản phẩm khai thác biển khoảng 35%.” - Phó Chủ tịch VASEP Nguyễn Thị Thu Sắc cho hay.

Những thách thức cần vượt qua

Thời điểm hiện nay, Việt Nam đang đứng đầu thế giới trong lĩnh vực chế biến tôm giá trị gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát ở nhiều nước trên thế giới, giá xăng, dầu và chi phí vận chuyển cao, sức tiêu dùng giảm mạnh… khiến sức tiêu thụ các sản phẩm tôm cao cấp của Việt Nam giảm mạnh, đặc biệt ở các thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Nhật Bản…

Dẫn chứng về khó khăn này, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta Hồ Quốc Lực cho biết, Mỹ là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất thế giới. Sản phẩm của Việt Nam trong mấy năm gần đây phải cạnh tranh rất vất vả với hàng giá rẻ từ Ấn Độ, Indonesia và Ecuador. Đặc biệt trong năm nay, chi phí vận chuyển hàng từ Việt Nam sang Mỹ từ mức 4.000 - 5.000 USD/container (40 feet) tăng thêm 4 - 5 lần.

Bày tỏ lo lắng về vấn đề thẻ vàng và thẻ đỏ về hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU), Phó Chủ tịch VASEP Nguyễn Thị Thu Sắc chia sẻ, bị áp dụng thẻ đỏ, lệnh cấm thương mại sẽ được áp dụng hoàn toàn đối với các sản phẩm thủy sản khai thác. Năm 2022, ước tính xuất khẩu thủy sản sang EU đạt trên 1,4 tỷ USD, trong đó hải sản khoảng 420 triệu USD, thủy sản nuôi khoảng 980 triệu USD.

Như vậy, nếu thẻ đỏ xảy ra từ 2023 thì thiệt hại xuất khẩu riêng sang EU có thể lên tới 518 triệu USD. Về lâu dài, nếu thẻ đỏ kéo dài từ 2 - 3 năm, toàn bộ ngành sẽ bị ảnh hưởng. Cụ thể, ngành khai thác và chế biến hải sản khai thác sẽ giảm ít nhất 30% so với công suất hiện tại, dẫn đến giảm giá trị xuất khẩu, ảnh hưởng việc làm và việc xóa đói giảm nghèo.

Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Nguyễn Thị Thu Trang nhận định, thị trường EU yêu cầu các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất đối với sản phẩm nhập khẩu và đưa ra mức giá tốt. Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất phải liên tục đổi mới và phát triển hệ thống sản xuất của họ để đáp ứng các yêu cầu của thị trường.
Thời điểm hiện tại, Đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) đã đến Việt Nam và trực tiếp kiểm tra việc chống IUU.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã kêu gọi tất cả ban, bộ, ngành, địa phương phải hành động quyết liệt trong tháng cao điểm chống IUU. Bởi, điều quan trọng nhất khi EC kiểm tra là các tỉnh, thành ven biển đã có sự chuyển biến về nhận thức và tạo ra những kết quả thật, có thể minh chứng bằng số liệu.

Cân bằng sản lượng và chất lượng

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Trần Đình Luân cho hay, những tháng cuối năm, ngành thủy sản cần đảm bảo cân bằng giữa khả năng cung ứng và nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường trọng điểm, giữa sản lượng và chất lượng theo tiêu chuẩn ngày càng khắt khe.

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ NN&PTNT và các địa phương, DN tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về sản xuất, thị trường tiêu thụ... Điều đáng lưu ý là các tỉnh, TP cần quan tâm vấn đề môi trường trong nuôi trồng, khai thác để sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đưa ra khuyến nghị đối với DN chế biến và xuất khẩu thủy sản, ông Trần Thanh Hải cho rằng, DN cần tăng cường đa dạng hóa mặt hàng thủy sản chế biến, ngoài các mặt hàng truyền thống là tôm và cá, thì cần chú trọng hơn với các mặt hàng khác như: Hàu, điệp, mực nang, mực ống, bạch tuộc, bào ngư, ốc… nhằm đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới.

Cùng với đó, DN phải chủ động nghiên cứu các quy định ưu đãi và tiêu chuẩn chất lượng từ các thị trường tiềm năng. Từ đó, điều chỉnh hoạt động nuôi trồng và chế biến thủy sản phù hợp nhằm tận dụng ưu đãi và vượt qua các rào cản thương mại.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1408/QĐ-TTg ngày 16/8/2021 phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030. Trong đó, Đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản chế biến đạt trên 6%/năm; tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến đạt giá trị gia tăng trung bình trên 40%; trên 70% số lượng cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất từ trung bình tiên tiến trở lên; Giá trị chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa đạt 40.000 - 45.000 tỷ đồng, góp khoảng 14 - 17 tỷ USD vào giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Cùng với Quyết định 1408, Thủ tướng Chính phủ cũng ký Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/8/2022 ban hành Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 được coi là tấm phiếu đảm bảo cho nguồn cung nguyên liệu bền vững phục vụ chế biến và xuất khẩu. Động thái này của Chính phủ được kỳ vọng sẽ dẫn dắt hoạt động chế biến và xuất khẩu thủy sản theo hướng nâng cao chất lượng, đi sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm cho xuất khẩu thủy sản trong 10 năm tới và các năm về sau.

 

Với tốc độ tăng trưởng và bối cảnh cung - cầu hiện nay, dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 9,5 - 10 tỷ USD trong năm 2022. Trong đó, dự báo xuất khẩu tôm đạt khoảng 4,1 - 4,2 tỷ USD, cá tra đạt từ 2,4 - 2,5 tỷ USD, hải sản khoảng 3,2 - 3,3 tỷ USD.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Thị Thu Sắc