Xuất khẩu thủy sản sang EU sẽ khó khăn hơn do Covid-19 và ‘thẻ vàng’ IUU

GIANG LAM
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế các nước EU đang hồi phục, nhu cầu nhập khẩu thủy sản từ thị trường này bắt đầu tăng mạnh từ tháng 3/2021 và dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, với tình hình dịch Covid-19 như hiện nay cùng với vấn đề ‘thẻ vàng’ IUU, xuất khẩu (XK) thủy sản của Việt Nam sang EU nửa cuối năm nay không thể duy trì tăng trưởng như nửa đầu năm.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nửa đầu năm nay, XK thủy sản Việt Nam sang thị trường EU đạt trên 486 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK các sản phẩm khai thác đạt 154 triệu USD, tăng 24%, chiếm 32%; thủy sản nuôi trồng đạt 333 triệu USD, tăng 18%, chiếm 68%.
Trong các mặt hàng, XK tôm có tỷ trọng cao nhất khi chiếm 52,5% tổng kim ngạch XK thủy sản sang EU với 256 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Kế đến là cá ngừ với trên 74 triệu USD, tăng 31%; nghêu đạt 33 triệu USD, tăng 45%; mực đạt gần 21 triệu USD, tăng 56%... Trong khi đó, XK cá tra sang EU vẫn giảm 18% so với cùng kỳ khi đạt gần 58 triệu USD.
EU hiện là thị trường XK thủy sản lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc), chiếm trên 11% trong tổng XK thủy sản Việt Nam. Trong đó, những thị trường chi phối trong khối này là Hà Lan, Đức, Bỉ, Italy…, là những thị trường chính tiêu thụ tôm và cá ngừ của Việt Nam.
Chế biến thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL. Ảnh: Giang Lam 
Theo VASEP, kinh tế các nước EU đang hồi phục nhờ những chuyển biến tích cực sau chương trình tiêm phòng vaccine chống Covid-19 và các gói hỗ trợ. Nhu cầu nhập khẩu thủy sản từ thị trường EU bắt đầu tăng mạnh từ tháng 3/2021 và dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc trong nửa cuối năm.
Việt Nam có thế nắm bắt được cơ hội đẩy mạnh XK sang thị trường này nếu nhanh chóng kiểm soát được dịch Covid-19 đang bùng phát ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tuy nhiên, XK thủy sản sang EU nửa cuối năm nay không thể duy trì tăng trưởng như nửa đầu năm. Nguyên nhân ngoài tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay thì còn vấn đề ‘thẻ vàng’ IUU.
Theo khảo sát của VASEP và tổng hợp ý kiến từ DN hội viên trong tháng 4-5/2021, việc thực hiện nghiêm quy định của Luật Thủy sản mới bao gồm cả công tác khắc phục ‘thẻ vàng’ IUU của EU, khiến nguồn nguyên liệu khai thác bị ảnh hưởng “co hẹp” nhiều hơn.
Số lượng cảng cá đủ ‘chuẩn’ để được Bộ NN&PTNT công bố hiện nay còn hạn chế và không đủ so với nhu cầu của thực tế. Mỗi tỉnh ven biển (có chiều dài bờ biển từ một đến vài trăm km) cũng chỉ có được 1-3 cảng chỉ định (đa số 1-2 cảng/tỉnh).
Nhiều tàu cá muốn về cập cảng chỉ định phải đi thêm cả hàng trăm km (phát sinh xăng dầu, thời gian), nên có thực trạng là nhiều tàu cá không cập cảng chỉ định mà về các cảng khác hoặc tại bến của gia đình/đại lý nậu vựa. Điều này dẫn đến một số lượng lớn hải sản khai thác không đủ điều kiện được làm các giấy tờ cần thiết (biên bản bốc dỡ, S/C...) phục vụ XK.
Hay tình trạng tàu cá thiếu giấy tờ hoặc chậm đăng ký, đăng kiểm… vẫn còn không ít và trở thành tàu không đủ điều kiện theo quy định, gây nên nhiều khó khăn cho việc có được nguồn nguyên liệu hợp pháp cho thu mua - chế biến - XK…
Theo VASEP, ước tính XK thủy sản sang EU 6 tháng cuối năm 2021 đạt khoảng 600 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, đưa kết quả XK thủy sản sang EU cả năm 2021 đạt 1,087 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2020.