Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng khả quan nhưng chưa vội mừng

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tận dụng cơ hội gia tăng đơn hàng xuất khẩu, gia tăng thị phần tại các thị trường Mỹ, EU và Trung Quốc là những giải pháp quan trọng để ngành thủy sản Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 9 tỷ USD trong năm 2022.

Nhiều cơ hội gia tăng đơn hàng xuất khẩu

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản cả nước mang về kim ngạch trên 4,6 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhiều mặt hàng duy trì mức tăng trưởng khả quan.

Xuất khẩu cá tra tăng trưởng mạnh cả về sản lượng và giá trị. Ảnh minh họa
Xuất khẩu cá tra tăng trưởng mạnh cả về sản lượng và giá trị. Ảnh minh họa

Đơn cử như mặt hàng cá tra, giá xuất khẩu mặt hàng này sang các thị trường lớn như Mỹ, EU... tăng cao, sức cạnh tranh tốt do chiếm được vị trí thay thế cho một số phân khúc cá thịt trắng bị thiếu hụt có nguồn cung từ Nga.

Song song với đó, các DN chế biến trong nước đang tận dụng cơ hội để gia tăng các đơn hàng xuất khẩu, khi giá xuất khẩu bình quân sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh sang hầu hết thị trường tăng mạnh.

Phó Tổng thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam nhận định, năm 2022, lạm phát giá thực phẩm và thuỷ sản cao kỷ lục trên thế giới là một lợi thế cho mặt hàng cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu cá tra sang các thị trường tăng mạnh, nhất là Mỹ, EU và Trung Quốc.

Trong năm 2022, ngành thủy sản đề ra mục tiêu đạt 9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Để đạt mục tiêu này, VASEP khuyến cáo DN xuất khẩu phải tuân thủ các quy định bắt buộc của thị trường, đáp ứng những nhu cầu bổ sung đối với các thị trường riêng lẻ trong khối. Đặc biệt, phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm để giữ uy tín thương hiệu thủy sản Việt chung trong khối.

“Các DN cần tiếp tục tìm kiếm cơ hội gia tăng thị phần cá tra trước sự thiếu hụt nguồn cung cá thịt trắng tại các quốc gia châu Âu. Bên cạnh đó, cần vận dụng tốt hơn nữa lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) để xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới vì còn nhiều dư địa để phát triển” - ông Nguyễn Hoài Nam khuyến nghị.

3 thách thức cho xuất khẩu thủy sản

Theo nhận định của VASEP, có 3 thách thức cho xuất khẩu thủy sản trong những quý cuối năm, đó là: Sự khan hiếm nguồn nguyên liệu đảm bảo cho sản xuất xuất khẩu, tăng giá cước tàu cùng với các chi phí đầu vào tăng.

Ví dụ như mặt hàng tôm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước Trần Văn Lĩnh cho biết, mặc dù giá xuất khẩu tôm dự báo tiếp tục tăng, thậm chí có thể tăng vọt, nhất là đến cuối quý III/2022. Tuy nhiên, theo ông Lĩnh, thời điểm cuối năm là lúc đã qua vụ thu hoạch của các vùng tôm nguyên liệu trong nước. Do vậy, người nuôi và các DN chế biến trong nước không tận dụng được cơ hội này.

Đáng lo ngại, cùng với sự khan hiếm nguồn cung thì các thị trường vẫn chú trọng kiểm soát những yếu tố an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc. Đặc biệt, "thẻ vàng IUU" mà châu Âu đang gắn cho sản phẩm thủy sản Việt Nam về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định là quy định về chống đánh bắt hải sản.

Nhận định về cơ hội tăng trưởng xuất khẩu đối với thủy sản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng, ngoài tôm thì các mặt hàng chủ lực khác như cá tra, cá ngừ, dự báo nhu cầu thị trường vẫn lớn.

Thời điểm hiện tại, các DN thuỷ sản đang có sự chuẩn bị để kết nối trở lại với những hoạt động và tổ chức xúc tiến thương mại, trong đó có Hội chợ Thuỷ sản quốc tế Vietfish vào tháng 8/2022. Sự kiện được kỳ vọng tiếp tục thu hút thêm nhiều nhà nhập khẩu thế giới đến với thuỷ sản Việt Nam, là đòn bẩy để thúc đẩy xuất khẩu tăng mạnh hơn trong những tháng cuối năm nay.

Ngoài ra, cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là EVFTA, đang trở thành yếu tố thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam có được giá cả cạnh tranh để đẩy mạnh xuất khẩu.

 

Với tốc độ tăng trưởng và bối cảnh cung - cầu hiện nay, dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 9,5 - 10 tỷ USD trong năm 2022. Trong đó, dự báo xuất khẩu tôm đạt khoảng 4,1 - 4,2 tỷ USD, cá tra đạt từ 2,4 - 2,5 tỷ USD, hải sản  khoảng 3,2 - 3,3 tỷ USD.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam

 

Đọc tiếp