Theo ước tính của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP, năm 2014 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã vượt kế hoạch 1 tỷ USD, đạt mức gần 8 tỷ USD.
Xuất khẩu tăng trưởng cao phải kể đến các doanh nghiệp chế biến các mặt hàng tôm, cua, ghẹ. Trong đó tôm xuất khẩu chiếm hơn 50% giá trị xuất khẩu của ngành Thủy sản .
Mặt hàng tôm xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng trưởng hơn 32% đã giúp Việt Nam vượt qua Thái Lan, lên đứng thứ 4 toàn thế giới cung cấp tôm xuất khẩu vào thị trường Mỹ về số lượng và vượt lên trên Ecuador xếp thứ 3 về giá trị. EU là thị trường đứng thứ 2 xuất khẩu tôm của Việt Nam với mức tăng trưởng hơn 17%.
Nguyên nhân, giúp cho các doanh nghiệp chế biến tôm có được những tăng trưởng khá, ngoài việc thị trường Mỹ và Châu Âu có tín hiệu phục hồi về kinh tế thì bản thân các doanh nghiệp chế biến tôm đã làm tốt mối liên kết “4 nhà”, liên kết vùng nhằm giữ vững và phát triển vùng nguyên liệu.
Năng suất tôm nuôi đạt khá – tôm sú công nghiệp đạt 5-6 tấn/ha; tôm thẻ công nghiệp 7 -10 tấn/ha. Chỉ riêng tỉnh Cà Mau trong năm 2014 đã phát triển thêm hơn 2.200 ha diện tích nuôi tôm so với năm 2013. Nhờ đó mà các doanh nghiệp đã chủ động được nguyên liệu đầu vào, đồng thời thực hiện nghiêm ngặt quy trình chế biến, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Cùng trong nhóm tăng trưởng giá trị xuất khẩu ấn tượng trong năm 2014 đó là chả cá và surimi ước đạt mức gần 300 triệu USD, tăng hơn 30% so với năm 2013.
Đáng buồn trong bức tranh xuất khảu thủy sản năm qua của Việt Nam là xuất khẩu cá tra, cá ngừ, nhuyễn thể. Đây những mặt hàng chủ lực nhưng tăng trưởng kém, thậm chí cá ngừ còn giảm 9,3% so với năm 2013.
Hai thị trường xuất khẩu chính của cá ngừ Việt Nam là Mỹ và EU, Asean đều sụt giảm từ gần 2% đến gần 9%. Riêng xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Nhật Bản năm 2014 giảm hơn 46%, đây là thị trường khó tính đòi hỏi cao về chất lượng cá sau thu hoạch.
Mặc dù năm 2014, ngư dân Việt Nam đã được các chuyên gia của Nhật Bản chuyển giao phương pháp đánh bắt cá ngừ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, song số lượng đánh bắt theo phương pháp này chưa được nhiều, về phía các đối tác nhập khẩu tiêu thụ cá ngừ tại Nhật Bản lại thắt chặt chất lượng theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Do công nghệ khai thác yếu, nguyên liệu chế biến thiếu do cả yếu tố thời tiết nên đã hạn chế sản lượng và giá trị xuất khẩu của mặt hàng này của Việt Nam.
Nhìn từ câu chuyện xuất khẩu tôm và cá ngừ cho thấy, muốn nâng cao giá trị và sản lượng xuất khẩu thủy sản thì không còn cách nào khác là cả nông, ngư dân và doanh nghiệp đều cần có sự liên kết tạo thành chuỗi quy trình từ khâu sản xuất nguyên liệu, thu hoạch, và chế biến thủy sản đều phải đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.
Ảnh minh họa
|