70 năm giải phóng Thủ đô

Xuất khẩu tôm đặt mục tiêu vượt 4 tỷ USD năm 2022

Giang Lam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với kết quả xuất khẩu (XK) tôm năm 2021 tăng trưởng tốt khi đạt kim ngạch 3,9 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2020, dự kiến mặt hàng thủy sản XK chủ lực này năm 2022 sẽ tăng trưởng từ 10 - 12%, kim ngạch XK vượt mốc 4 tỷ USD.

Theo Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước năm 2021 đạt 747.000ha (tôm sú là 626.000ha; tôm thẻ chân trắng 121.000ha). Sản lượng tôm nuôi các loại đạt 970.000 tấn (tăng 4,3% so với năm 20220), trong đó tôm sú 265.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 665.000 tấn, còn lại là tôm khác. Kim ngạch XK năm 2021 đạt 3,9 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2020.

Ông Vương Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (một trong các địa phương nuôi tôm hàng đầu cả nước) cho biết, năm 2021, tình hình nuôi trồng thủy sản của tỉnh vẫn cơ bản đảm bảo ổn định, kiểm soát tốt được tình hình dịch bệnh trên tôm, mức thiệt hại ở tôm thấp hơn so với năm trước, phần lớn diện tích thả nuôi tương đối đạt hiệu quả kinh tế vì năng suất tăng cao.

Năm 2021, tỉnh Sóc Trăng có diện tích nuôi tôm đạt 53.000ha, vượt 3,92% kế hoạch, tăng 2,49% so với cùng kỳ; kim ngạch XK tôm của Sóc Trăng đạt hơn 1 tỷ USD…

Thu hoạch tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: G.Lam
Thu hoạch tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: G.Lam

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2021, Việt Nam XK tôm sang 103 thị trường, với hơn 500 daonh nghiệp tham gia XK. 97% kim ngạch XK tập trung ở nhóm 8 thị trường chính gồm Mỹ, CPTPP, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Nga và Đài Loan.

Đặc biệt, tôm Việt Nam xuất vào Mỹ lần đầu tiên đạt trên 1 tỷ USD, với sản lượng gần 90.000 tấn, tăng 20% so với năm 2020. Năm 2022, XK tôm Việt Nam sang Mỹ năm 2022 sẽ tiếp tục tăng và đây vẫn sẽ là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam…

Còn nhiều thách thức

Tuy đạt được kết quả tích cực và tiếp tục có nhiều tín hiệu khả quan, ngành tôm vẫn được dự báo đối mặt với những khó khăn, thách thức như xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, chất lượng con giống, giá cả thị trường, dịch bệnh, giá vật tư đầu vào tăng cao…

Sở NN&PTNT Sóc Trăng cho biết, mặc dù ứng dụng khoa học công nghệ vào trong nuôi trồng thủy sản sẽ mang lại hiệu quả sản xuất cao, chi phí sản xuất khá cao, tuy nhiên đặc thù tỉnh Sóc Trăng đa số hộ nuôi nhỏ lẻ, năng lực về tài chính có hạn, người nuôi tôm đầu tư theo khả năng tài chính. Do đó, để ứng dụng công nghệ thông minh trong nuôi trồng thủy sản cần phải thực hiện trong thời gian dài.

Theo Tổng cục Thủy sản, ngành tôm Việt Nam còn nhiều khó khăn. Cụ thể như: Tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong nước chỉ cung cấp được một phần, chưa chủ động trong sản xuất.

Còn nhiều cơ sở chưa được kiểm tra cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản nhưng vẫn được chấp nhận kiểm dịch. Đây là những cơ sở chưa đáp ứng điều kiện, nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh.

Phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo, hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi sản xuất nông nghiệp, không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, hệ thống thoát nước không đảm bảo, nguồn nước dễ bị ô nhiễm…

Theo điều tra của Liên minh Thủy sản toàn cầu (GAA), sản lượng tôm của thế giới năm 2021 tăng khoảng 8,9% so với năm 2020 và dự đoán năm 2022 vẫn tiếp tục tăng, điều này sẽ gây ra những thách thức, tác động rất lớn đối với ngành tôm Việt Nam như: cạnh tranh gay gắt hơn, giá tôm nguyên liệu thế giới có xu hướng giảm sẽ gây áp lực lớn cho ngành tôm Việt Nam; sự thay đổi về quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia, những cảnh báo về an toàn thực phẩm…

Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: G.Lam
Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: G.Lam

Ông Lê Bá Anh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) cho biết, năm 2021, có 64 lô hàng tôm bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo. Trong đó, cảnh báo về chỉ tiêu phosphate (22 lô), bệnh thủy sản (21 lô), vi sinh (9 lô), kim loại nặng (1 lô), ghi nhãn (2 lô). Riêng về tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm có 8 lô (chiếm 12,5%), giảm so với năm 2020.

Trong năm 2021, NAFIQAD đã thực hiện lấy 1.768 mẫu tôm nuôi tại 111 vùng nuôi tôm tập trung để phân tích dư lượng hóa chất, kháng sinh. Kết quả phát hiện 13 mẫu tôm vi phạm liên quan đến các chỉ tiêu hóa chất kháng sinh. Kết quả trên cho thấy xu hướng các cơ sở nuôi tôm lạm dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong quá trình nuôi trồng tăng cao.

Về kiểm soát tạp chất trong tôm nguyên liệu, trong năm 2021, các tỉnh trọng điểm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tổng số 70 cơ sở, phát hiện 52 cơ sở vi phạm, xử phạt gần 2 tỷ đồng…

Nhận định tình hình năm 2022, theo đại diện VASEP, nguyên liệu tôm đủ cho chế biến nhưng giá tăng hơn do các yếu tố đầu vào sẽ biến động phức tạp trong năm 2022. Các thị trường lớn nhất sẽ nhanh phục hồi nhu cầu, trừ Trung Quốc vẫn cần thêm thời gian.

Khả năng lạm phát sẽ làm giá thành sản xuất tăng, làm tăng giá bán và làm suy yếu tốc độ tăng đơn hàng. Chiến tranh Nga - Ucraina tác động mạnh đến chi phí cũng như hoạt động logistics sẽ là một thách thức không nhỏ cho tăng trưởng XK tôm.

Mặc dầu vậy, VASEP dự báo XK tôm Việt Nam năm 2022 sẽ tăng trưởng từ 10-12%, kim ngạch XK vượt mốc 4 tỷ USD.

Cũng theo Tổng cục Thủy sản, kế hoạch năm 2022, diện tích nuôi tôm cả nước đạt 750.000ha (tôm sú 625.000ha, tôm thẻ 125.000ha); sản lượng đạt 980.000 tấn (tôm sú 275.000 tấn, tôm thẻ 675.000 tấn, còn lại tôm khác); kim ngạch XK đạt trên 4 tỷ USD.