Xuất khẩu trái cây: Hướng tới mục tiêu 2 tỷ USD

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Lê Sơn Hà – Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, nếu giữ được đà tăng trưởng như năm 2015, rất có thể năm nay xuất khẩu (XK) trái cây tiếp tục có những thắng lợi mới.

Xuất khẩu trái cây: Hướng tới mục tiêu 2 tỷ USD - Ảnh 1Đa dạng hóa thị trường

Năm 2015 được đánh giá là một năm “thắng đậm” của XK trái cây với kim ngạch XK đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn tới thắng lợi trên?

- Năm 2015, kim ngạch XK trái cây đạt hơn 1,8 tỷ USD, tăng hơn 400 triệu USD so với năm 2014 (đạt hơn 1,4 tỷ USD). Tổng khối lượng XK rau quả nói chung trong năm 2015 đạt 2,1 triệu tấn, trong đó có những loại quả có lượng XK lớn như thanh long (1,1 triệu tấn), sau đó là dưa hấu, xoài, nhãn… Để có thành công đó, trước hết là nỗ lực chung của ngành và các đơn vị liên quan cùng sự phối hợp của các DN. Năm vừa rồi, chúng ta cũng mở nhiều thị trường mới như XK xoài sang Nhật Bản; vải, nhãn sang Mỹ, Australia. Bên cạnh đó, các DN đã nỗ lực mở rộng thị trường XK sang các nước xung quanh như vải xuất sang Malaisia và một số nước khác. Ngoài ra, thương vụ ở các nước đã phối hợp rất tốt với Bộ NN&PTNT cũng như các DN để đẩy mạnh XK các loại trái cây.

Việc mở rộng thị trường XK ắt hẳn dẫn tới biến động, thưa ông?

- Đúng vậy. Thị trường XK trái cây Việt Nam đã có sự thay đổi, nhất là về cách tiếp cận và khai thác thị trường. Từ xưa đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn của rau quả Việt Nam, nhưng đến nay chúng ta đã đa dạng hóa thị trường theo hướng khai thác các thị trường có giá trị cao và yêu cầu khắt khe về kiểm dịch thực vật cũng như ATTP. Điều đó đồng nghĩa với việc rau quả của chúng ta đã khẳng định được thương hiệu với các thị trường khó tính. Đây sẽ trở thành tiền đề quan trọng để xâm nhập các thị trường mới.

Về cách tiếp cận, năm vừa qua, chúng ta đã khai thác nhiều hơn những thị trường mà trước đây chưa đầu tư hoặc lãng quên như EU, Canada, các nước ASEAN, Đông Âu, Trung Đông, thậm chí hướng đến cả thị trường Nam Mỹ. Chẳng hạn, Cục BVTV đã nộp hồ sơ đề nghị xuất khẩu quả tươi của Việt Nam sang Argentina, Brazil, Peru… Hiện tại, các nước này đang xem xét để làm các thủ tục tiếp theo cho chúng ta mở cửa thị trường XK trái cây.

Với đà thắng lợi đó, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu XK trái cây trong năm nay như thế nào?

- Bộ NN&PTNT xác định rau quả vẫn còn nhiều dư địa để khai thác. Để khai thác được dư địa đó cần phải có sự tham gia của nhiều phía, nhất là các DN. Cục BVTV cũng khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ cho DN, kết nối DN với bà con nông dân để sản xuất phục vụ XK. Hiện nay, tại một số vùng trồng vải, nhiều DN đã liên kết với bà con xây dựng cơ sở đóng gói tại vùng trồng. Đây là triển vọng tốt cho XK. Trong kế hoạch đề ra, Bộ NN&PTNT sẽ cố gắng đẩy mạnh XK trái cây để đạt mục tiêu giá trị XK lên hơn 2 tỷ USD.

Tiếp tục gỡ khó

Theo đánh giá của ông, trái cây Việt Nam có điểm mạnh và hạn chế gì so với sản phẩm của các nước?

- Điểm mạnh của chúng ta là đa dạng về trái cây nhiệt đới và cận nhiệt đới. Chúng ta cũng có những loại trái cây đặc sản như xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, thanh long vừa ngon vừa cho năng suất cao hay nhãn, vải có chất lượng, hương vị được các bạn quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, hạn chế thứ nhất của trái cây Việt Nam là quy mô canh tác nhỏ lẻ, manh mún. Do đó, để huy động lượng quả lớn đồng đều về chất lượng, mẫu mã phục vụ XK là rất khó. Hạn chế thứ hai, công nghệ bảo quản sau thu hoạch của chúng ta chưa tốt nên muốn vận chuyển quả đi khoảng cách xa tương đối khó khăn. Hạn chế thứ ba, chi phí vận chuyển của chúng ta cao hơn so với nhiều nước.

Vừa rồi, có thông tin một số nước tăng tần suất kiểm tra trái cây Việt Nam, điều này có gây trở ngại cho XK trái cây của chúng ta?

- Thật ra, các nước tăng hay giảm tần suất kiểm tra theo từng thời kỳ là chuyện bình thường.  Tuy nhiên, khó khăn là Việt Nam đang sản xuất một loại quả để xuất đi nhiều thị trường. Có những loại thuốc BVTV sử dụng trong quá trình sản xuất trái cây phù hợp với yêu cầu của thị trường này nhưng lại không đáp ứng thị trường khác.

Bởi vậy, về lâu về dài, chúng ta phải quy hoạch vùng sản xuất cho từng thị trường vì hiện nay sản xuất đang nhỏ lẻ, manh mún. Muốn quy hoạch được cần nguồn lực và thời gian để người dân tiếp cận dần dần. Tuy nhiên, chúng ta cũng không quá lo lắng khi họ nâng tần suất kiểm tra lên 20%. Cục BVTV đã chỉ đạo, thông tin cho các địa phương có sản phẩm mà các nước cảnh báo để người nông dân không sử dụng các loại thuốc BVTV đó. Chẳng hạn như với vùng trồng vải, nhãn xuất khẩu đi Mỹ, Cục đã thông báo cho nông dân những loại thuốc mà nước này cấm, khuyến cáo nông dân không dùng. Thế nhưng, chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm giám sát. Song song với sản xuất đáp ứng yêu cầu nước nhập khẩu, chúng ta phải đẩy mạnh đàm phán để các nước dỡ bỏ quy định đó, hoặc nâng mức dư lượng tối đa cho phép, tạo thuận lợi cho XK trái cây.

Một trong những vấn đề mà các nước rất quan tâm, nhất là những thị trường khó tính là yêu cầu phải chiếu xạ trái cây trước khi XK. Việc chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ chiếu xạ trái cây ở miền Bắc đến nay được thực hiện đến đâu rồi, thưa ông?

- Năm 2015, trái vải ở các tỉnh phía Bắc phải được đưa vào miền Nam chiếu xạ đã làm đội chi phí giá thành sản phẩm. Để giải quyết vấn đề đó, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã làm việc với lãnh đạo Bộ KH&CN xúc tiến đầu tư cơ sở chiếu xạ ở phía Bắc (Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam). Hiện nay, cơ sở đó đã hoàn thành việc nâng cấp. Cục BVTV được Bộ NN&PTNT giao theo dõi, đánh giá cơ sở đó xem có đáp ứng yêu cầu XK hay không. Chúng tôi đã làm việc và gửi hồ sơ sang phía Australia để họ xem xét có đáp ứng yêu cầu chiếu xạ XK sang nước này.

Xin cảm ơn ông!