Bài toán đặt ra cho Việt Nam trong bối cảnh hiện tại là phải cấp thiết thực hiện các giải pháp ứng phó kịp thời với những diễn biến thị trường khó lường, đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng cuối năm.
8 tháng, xuất siêu 3,4 tỷ USD
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2019 ước tính xuất siêu 3,4 tỷ USD, trong đó riêng tháng 8 xuất siêu 1,7 tỷ USD, tương đương với giá trị xuất siêu của 7 tháng năm 2019.
|
Khu xếp hàng xuất khẩu tại cảng Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: Phạm Hùng |
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh cho biết, dù chịu những thách thức không nhỏ đến từ sự bất đồng giữa các nước lớn về định hình thương mại toàn cầu nhưng hoạt động xuất nhập khẩu 8 tháng qua vẫn đang diễn ra rất sát với dự báo của Bộ Công Thương khi xây dựng kế hoạch xuất khẩu tăng trưởng 6 - 8% so với năm trước.
Cụ thể, tính chung 8 tháng năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 169,9 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 8 tháng có 26 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, chiếm tới 89,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng đạt giá trị trên 10 tỷ USD, chiếm 58,7%).
Cục Xuất nhập khẩu nhận định, mức tăng này tuy có phần chậm lại so với cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn có thể đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao là tăng trưởng xuất khẩu từ 7 - 8% trong năm 2019. Dự báo cả năm 2019 xuất khẩu có thể đạt khoảng 261 - 262 tỷ USD, tăng từ 7 - 7,5% so với năm 2018. Như vậy, bình quân từ nay đến cuối năm, mỗi tháng xuất khẩu phải đạt khoảng 23,2 - 23,4 tỷ USD.
"Hiện nay, Việt Nam mới có 9 mặt hàng trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Vì vậy, Cục Xuất nhập khẩu cần phối hợp với Bộ NN&PTNT đẩy mạnh đàm phán mở cửa thị trường, tập trung toàn lực để tăng số lượng sản phẩm có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc; đồng thời tiếp tục tuyên truyền cho nông dân, DN nắm rõ thông tin thị trường, từ đó dần khôi phục lại xuất khẩu." - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh |
“Đây là nhiệm vụ khó khăn bởi lần gần nhất xuất khẩu của Việt Nam chạm mốc 23 tỷ USD đã từ tháng 8/2018. Trong khi đó, tình hình kinh tế thương mại thế giới suy giảm như hiện nay đang là bất lợi để Việt Nam tăng tốc xuất khẩu trong những tháng còn lại của năm 2019” - ông Chinh nhấn mạnh.
Đối mặt hàng loạt thách thức
Bộ Công Thương dự báo, xuất khẩu những tháng cuối năm 2019 tiếp tục đối mặt với đầy rẫy những khó khăn, thách thức. Trước hết là kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố bất ổn, tăng trưởng thương mại toàn cầu dự kiến chỉ đạt 2,4% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức 3,7% của năm 2018 (theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF).
Xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang gây tâm lý lo ngại cho hoạt động thương mại và đầu tư. Đặc biệt, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua vào Mỹ cũng đi kèm với rủi ro có thể sẽ chịu những biện pháp nhằm hạn chế xuất khẩu, hạn chế thương mại từ phía Mỹ.
Bên cạnh đó, các nước tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe như EC siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU) và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT); nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc...
Trong khi đó, vấn đề an toàn thực phẩm của nông sản Việt Nam chưa thật sự bền vững, năng lực chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ chưa đáp ứng được với yêu cầu của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, sản phẩm chế biến sâu chiếm tỷ lệ thấp.
Mặt khác, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, một số nước sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước. Điều này khiến nguồn cung toàn cầu tiếp tục tăng, ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản. Trong khi nhiều nước đẩy mạnh các chương trình, kế hoạch thúc đẩy sản xuất, hướng tới giảm dần phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu dẫn đến cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trong xuất khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản. Do vậy, giá xuất khẩu nông sản không còn là yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phân tích, việc Trung Quốc đã hạ giá nhân dân tệ có thể đẩy xung đột thương mại Mỹ - Trung thành chiến tranh tiền tệ, gây ảnh hưởng lớn hơn chiến tranh thương mại.
Không những thế, căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc mới xuất hiện sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành hàng xuất khẩu, trong khi cả 2 nước này đều là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Một điều đáng lo ngại hiện nay là nếu không kiểm soát tốt chất lượng nguồn hàng nhập khẩu thì rất dễ xảy ra cạnh tranh trực tiếp và không công bằng với hàng hóa trong nước, ảnh hưởng trực tiếp đến DN trong nước.
Chủ động ứng phó biến động thị trường
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu những tháng cuối năm trong bối cảnh thế giới diễn biến rất phức tạp, nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu, theo dõi sát những biến động chính trị để có giải pháp ứng phó kịp thời nhằm giảm thiểu rủi ro, xuất khẩu bền vững.
Đặc biệt là xung đột Mỹ - Trung tiếp tục leo thang buộc Việt Nam phải tính toán kỹ các phương án cho xuất khẩu vào 2 thị trường này, trong đó có vấn đề chống gian lận xuất xứ. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc phát triển, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh ảnh hưởng khi các thị trường trọng điểm biến động.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thẳng thắn nhận định, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ lớn trong điều hành và phát triển xuất khẩu bền vững. Mặc dù Việt Nam đã cố gắng đa phương hóa, đa dạng hóa nhưng xuất nhập khẩu vẫn đang phụ thuộc vào một số thị trường, một số mặt hàng trọng điểm. Do đó, nếu thị trường điều chỉnh chính sách, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, phải có sự chủ động, nhịp nhàng và nhạy cảm trong ứng phó với các biến động trên thị trường.
Đưa ra những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu những tháng cuối năm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu bắt tay ngay vào việc nghiên cứu, xây dựng kịch bản xuất nhập khẩu cho các thị trường, ngành hàng; đề ra các nhóm giải pháp phù hợp với từng nhóm DN, địa phương ngành hàng xuất khẩu.
Cùng với đó, Cục Xuất nhập khẩu phải phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại đánh giá lại các nhóm hàng có nguy cơ liên quan đến các tranh chấp thương mại kể cả các đối tác lớn, đối tác quan trọng của Việt Nam. Từ đó có những biện pháp phối hợp với các bộ, ngành liên quan và một số địa phương có những giải pháp đảm bảo sự phát triển phù hợp với quy định; đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ với các đối tác kinh tế thương mại của Việt Nam.
"Chính phủ nên nghiên cứu, xem xét để cho đồng Việt Nam (VND) giảm giá trong biên độ phù hợp, nếu VND cứ giữ đúng giá như hiện tại thì gây bất lợi cho xuất khẩu vì hàng hóa Việt Nam bán sang Trung Quốc sẽ đắt đỏ hơn. Theo tôi, việc giảm giá VND ở mức độ cả năm khoảng 3% là phù hợp. " - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu |