Xuất khẩu vượt khó, duy trì đà tăng trưởng

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những tháng cuối năm 2022, bức tranh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc. Đây cũng là thời điểm ngành Công Thương tập trung triển khai nhiều giải pháp đa dạng hóa thị trường để tăng tốc xuất khẩu.

9 tháng, xuất siêu 6,52 tỷ USD

Thông tin từ Bộ Công Thương, trong 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 276 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,44 tỷ USD).

May hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Phạm Hùng
May hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Phạm Hùng

Đáng chú ý, xuất siêu sang nhiều thị trường lớn cũng ghi nhận kết quả tích cực, trong đó 9 tháng năm 2022, xuất siêu sang EU ước đạt 24,3 tỷ USD, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang Nhật Bản 10 triệu USD (cùng kỳ nhập siêu 1,7 tỷ USD).

Đánh giá về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhờ nhiều đơn hàng sản xuất dịch chuyển về Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc theo đuổi chính sách “Zezo covid”.

Thêm vào đó, nhờ tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đi vào thực thi trong những năm gần đây như EVFTA, CPTPP, UKVFTA… với lộ trình cắt giảm thuế quan cho nhiều ngành hàng, tiếp tục tạo bệ phóng cho xuất khẩu, kéo lượng đơn đặt hàng lớn về Việt Nam.

Điều này được minh chứng khi các ngành xuất khẩu trên đạt kim ngạch chục tỷ USD đều duy trì tốc độ tăng hơn 10% trở lên sau 9 tháng. Cụ thể: Điện thoại và linh kiện đạt 45,4 tỷ USD, tăng 10,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 12,3 tỷ USD, tăng 10%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 41.511 tỷ USD, tăng 13%; dệt may đạt 29,1 tỷ USD, tăng 24,3%; giày dép 18,2 tỷ USD tăng 36,6%...

Đơn cử như ngành dệt may, bằng nỗ lực xoay sở cũng như tận dụng tốt các FTA, xuất khẩu dệt may đạt 35 tỷ USD trong 9 tháng năm 2022, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang cho biết, để đạt con số nói trên, các DN dệt may đã rất nỗ lực và thích ứng rất nhanh với những thách thức của thị trường. Theo đó, các sản phẩm xuất khẩu không chỉ phụ thuộc vào 5 thị trường truyền thống như trước đây là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, mà bắt đầu là chuyển dịch sang Nga và một số nước khác.

Khai thác FTA, đa dạng thị trường xuất khẩu

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, trong những tháng cuối năm 2022, kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thậm chí, một số nền kinh tế lớn có thể suy thoái. Lạm phát tiếp tục tăng cao ở nhiều quốc gia, khu vực, ảnh hưởng tới tiêu dùng hàng hóa không thiết yếu, làm giảm cầu hàng hóa nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam.

Do đó, để đạt được mục tiêu xuất khẩu của cả năm 2022, các DN, ngành hàng cần tiếp tục nỗ lực, tận dụng tối đa ưu đãi từ 15 FTA đang thực thi.

Ngành hàng rau quả được dự báo sẽ bứt phá xuất khẩu trong quý IV/2022. Ảnh minh họa
Ngành hàng rau quả được dự báo sẽ bứt phá xuất khẩu trong quý IV/2022. Ảnh minh họa

Khuyến nghị đối với DN xuất khẩu sang thị trường EU, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương) Tạ Hoàng Linh cho rằng, EU là thị trường có tiêu chuẩn cao về hàng hóa nhập khẩu, đòi hỏi này buộc các nhà sản xuất Việt Nam phải có sự chuyển đổi để thích ứng nếu muốn gia tăng xuất khẩu bền vững. Vì vậy, thời gian tới, DN cần đa dạng hóa sang các thị trường còn lại của khối để gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

“Hiện các DN xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ tập trung vào thị trường lớn như: Hà Lan, Đức, Pháp, Italia…, song lại chưa xúc tiến xuất khẩu sang được các thị trường còn lại trong khối (Áo, Bỉ, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Phần Lan) trong khi các thị trường này có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa rất lớn” – ông Tạ Hoàng Linh lưu ý.

Để tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của cộng đồng DN, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, những tháng cuối năm, ngành Công Thương tập trung hỗ trợ DN khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ trong nước.

Cùng với đó, rà soát, kiến nghị các giải pháp nhằm giảm các loại thuế, phí hoặc đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng lớn trong trường hợp giá đầu vào của một số mặt hàng (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) tiếp tục tăng cao.

Ngoài ra, Bộ phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương biên giới phía Bắc tiếp tục trao đổi thường xuyên với phía Trung Quốc để bàn bạc các giải pháp nhằm tháo gỡ ùn tắc, tăng hiệu suất thông quan, hướng đến thông quan thông suốt, ổn định lâu dài.

 

Nếu duy trì đà tăng trưởng cao trong quý IV/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm 2022 sẽ đạt trên 750 tỷ USD. Cán cân thương mại có thể duy trì xuất siêu khoảng 1 tỷ USD và xuất nhập khẩu sẽ vượt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra là tăng 7 - 8%.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên