Xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh mẽ
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2019, kim ngạch XK cả nước đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó kim ngạch XK của khu vực 100% vốn trong nước đạt 74,72 tỷ USD, tăng 18,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 166,7 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Tỷ trọng của khối DN Việt Nam tăng lên mức 30,95% so với 29,16% của 11 tháng năm 2018.
Nghị định 83 triển khai 5 năm, đảm bảo nguồn cung xăng dầu, công tác điều hành liên bộ tốt. Tuy nhiên, việc sửa đổi là cần thiết nhằm bảo đảm mục tiêu quản lý. Về nội dung sửa đổi, hiện nguồn cung trong nước đã đảm bảo đến 70%, nên việc sửa đổi sẽ phù hợp với tình hình mới; tiếp tục giữ quỹ bình ổn đề điều tiết thị trường của ngành xăng dầu, các điều kiện kinh doanh xăng dầu tiếp tục được cắt giảm phù hợp, nhằm bảo đảm mục tiêu quản lý hài hoà; thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực xăng dầu. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải |
“Với tiến độ XK như hiện nay, cộng với kim ngạch NK đạt 230,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2018 thì tổng kim ngạch XNK của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau tháng 12/2019” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.
"XK năm 2019 dù gặp nhiều khó khăn nhưng được tạo thuận lợi, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, sự quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành tạo ra những tiến bộ trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, hỗ trợ DN khởi nghiệp, cải cách trong lĩnh vực XNK đã thúc đẩy sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho XK " - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Tận dụng tốt các FTA
Để XK tăng trưởng mạnh mẽ, DN Việt Nam bên cạnh việc tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống, đã tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực hoặc đang tiếp tục đàm phán, từ đó mở rộng thêm nhiều thị trường XK mới. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nhờ tận dụng, khai thác các FTA nên cơ cấu thị trường XK có sự chuyển dịch sang các nước có FTA có cơ cấu hàng hóa bổ sung với Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Liên minh Kinh tế Á - Âu. Cụ thể, XK sang Nhật Bản 11 tháng tăng 7,6%; Hàn Quốc tăng 10,1%; ASEAN tăng 2,5%; Nga tăng 9,1%...
Bên cạnh sự cố gắng của cộng đồng DN, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp các bộ, ngành liên quan kết thúc đàm phán và ký kết các FTA; thỏa thuận về hợp tác thúc đẩy thương mại. Ngoài ra, Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực triển khai những công việc cần thiết để thực thi các Hiệp định và hỗ trợ DN khai thác lợi ích của các FTA như nội dung luật hóa các cam kết; tuyên truyền về tiến trình hội nhập và giải thích các cam kết; nghiên cứu, đánh giá tác động của các FTA, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ.
Tuy nhiên, một vấn đề được lãnh đạo Bộ Công Thương nhắc đến là nguy cơ hàng hóa Trung Quốc lợi dụng các FTA Việt Nam đã ký kết để lẩn tránh thuế vào thị trường Mỹ. Trong đó, điển hình là ngành gỗ của Việt Nam với sự tăng đột biến về trị giá XNK của mặt hàng gỗ dán. “Để hạn chế tình trạng trên, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BCT ngày 12/11/2019 quy định về việc tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất sang Mỹ. Mục tiêu nhằm tăng cường quản lý xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ để phòng tránh gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, dẫn tới nguy cơ Mỹ có thể áp dụng các biện pháp siết chặt quản lý đối với gỗ dán XK của Việt Nam, tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.
Dự kiến từ nay đến cuối năm thiếu khoảng 200.000 tấn thịt. Để đảm bảo nguồn cung, mặt hàng thịt lợn được đưa vào chương trình bình ổn, cung cầu thị trường. Bộ cũng đã có văn bản gửi các Sở Công Thương, trên cơ sở theo dõi tình hình địa phương, phân tích nhu cầu nội tại, cân đối tham mưu các UBND tỉnh, đảm bảo nguồn cung, kể cả vấn đề nhập khẩu. Gắn với đó là tuyên truyền người tiêu dùng, tăng nguồn cung các mặt hàng khác, thực hiện tái đàn đảm bảo nguồn cung trong thời gian tới, gắn với nhập khẩu nhưng phải bảo đảm quyền lợi người chăn nuôi. Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Hoàng Anh Tuấn |