Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10 (từ 1 đến 15/10) đạt hơn 12,83 tỷ USD, giảm 8,8% tương ứng giảm hơn 1,23 tỷ USD so với nửa cuối tháng 9.
Trong đó, xuất nhập khẩu trong kỳ của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kim ngạch gần 7,71 tỷ USD, giảm 11,8% tương ứng giảm hơn 1,03 tỷ USD so với nửa cuối tháng 9/2014.
Như vậy, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/10 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt hơn 230,23 tỷ USD, tăng 12,9% (tương ứng tăng gần 26,22 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2013.
Cán cân thương mại hàng hóa trong kỳ 1 tháng 10 thâm hụt 438 triệu USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa của cả nước tính đến hết ngày 15/10 còn mức thặng dư hơn 1,84 tỷ USD.
Xuất khẩu đạt gần 6,2 tỷ USD
Kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10 đạt gần 6,2 tỷ USD, giảm 13,9% (tương ứng giảm hơn 1 tỷ USD) so nửa cuối tháng 9.
Như vậy tính từ đầu năm đến hết ngày 15/10 kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt gần 116,04 tỷ USD, tăng 14,1% (tương ứng tăng gần 14,32 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2013.
Trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt gần 3,93 tỷ USD, giảm 15,3% (tương ứng giảm gần 711 triệu USD) so với nửa cuối tháng 9.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/10 khối doanh nghiệp FDI đạt kim ngạch xuất khẩu gần 71,72 tỷ USD, tăng 15,1% (tương tứng tăng gần 9,43 tỷ USD) và chiếm gần 61,8% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Nguyên nhân chủ yếu khiến kim ngạch xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 10 giảm mạnh so với nửa cuối tháng 9 là do sự sụt giảm ở một số nhóm hàng chính như điện thoại các loại và linh kiện giảm 342 triệu USD; dầu thô giảm 92 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 76 triệu USD; hàng dệt, may giảm 75 triệu USD; sắt thép các loại giảm 62 triệu USD; hàng thủy sản 47 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 16 triệu USD;...
Nhập khẩu hàng hóa kỳ 1 tháng 10 giảm 3,3%
Cũng theo Tổng cục Hải quan, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10 đạt hơn 6,63 tỷ USD, giảm 3,3% (tương ứng giảm 228 triệu USD) so với nửa cuối tháng 9.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/10 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt gần 114,2 tỷ USD, tăng 11,6% (tương ứng tăng hơn 11,9 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2013.
Kim ngạch nhập khẩu 15 ngày đầu tháng 10 giảm nhẹ so với nửa cuối tháng 9 chủ yếu giảm ở một số nhóm hàng hóa như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 252 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện giảm 163 triệu USD; dầu thô giảm 76 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 73 triệu USD; thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 33 triệu USD; ...
Bên cạnh nhóm hàng giảm, một số nhóm hàng có kim ngạch tăng như: Xăng dầu các loại tăng 75 triệu USD; vải các loại tăng 55 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 48 triệu USD, ngô tăng 35 triệu USD;...
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 10 đạt hơn 3,79 tỷ USD, giảm 7,8% (tương ứng giảm 320 triệu USD) so với nửa cuối tháng 9.
Như vậy, tính đến hết ngày 15/10 các doanh nghiệp FDI đạt kim ngạch nhập khẩu gần 64,41 tỷ USD, tăng 10,7% (tương ứng tăng gần 6,21 tỷ USD), chiếm gần 56,4% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
10 nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/10, đứng đầu trong bảng xếp hạng các mặt hàng nhập khẩu vẫn là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác với kim ngạch nhập khẩu đạt 17,24 tỷ USD, tăng 21,6% (tăng 3,06 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Xếp ở vị trí thứ hai là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với giá trị kim ngạch 13,99 tỷ USD, giảm 0,3% (giảm 50 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.
Đứng thứ ba là vải các loại với 7,3 tỷ USD, tăng 14,4% (tăng 920 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.
Xăng dầu các loại đứng thứ tư với giá trị kim ngạch 6,62 tỷ USD, tăng 20,9% (tăng 1,14 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Điện thoại các loại và linh kiện đứng ở vị trí thứ năm với giá trị kim ngạch 6,38 tỷ USD, giảm 1,3% (giảm 80 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.
Sắt thép các loại đứng thứ sáu với giá trị kim ngạch 5,83 tỷ USD, tăng 9,7% (tăng 520 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.
Hai vị trí tiếp theo thuộc về chất dẻo nguyên liệu; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày với giá trị kim ngạch lần lượt là 4,96 tỷ USD và 3,67 tỷ USD.
Đứng thứ chín là thức ăn gia súc và nguyên liệu với giá trị kim ngạch 2,66 tỷ USD, tăng 4,5% (tăng 110 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.
Đứng ở vị trí cuối cùng là kim loại thường khác với giá trị kim ngạch đạt 2,64 tỷ USD, tăng 17,5% (tăng 390 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, trong số 10 nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất chỉ có máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện là suy giảm so với cùng kỳ.