Ấn tượng xuất siêu 6 năm liên tiếp
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020. Trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 336,25 tỷ UDS (tăng 19% so với năm 2020), kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 332,25 tỷ USD (tăng 26,5% so với năm 2020).
Qua đó giúp cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư 4 tỷ USD. Kết quả này tiếp tục đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu 6 năm liên tiếp trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu chịu tác động nặng nề, chưa từng có của đại dịch Covid-19.
Một điều đáng ghi nhận là cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Điều này đã góp phần giúp cán cân thương mại đảo chiều, xuất khẩu không những được giữ vững mà còn lập nên kỳ tích mới.
Năm 2021, cả nước có tới 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới. Nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh tại nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia… Không chỉ đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu ấn tượng, Việt Nam còn giữ vững các thị trường lớn, duy trì được tốc độ tăng trưởng dương. Cụ thể, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 95,6 tỷ USD, tăng 24,1% so với năm trước; Trung Quốc đạt 55,9 tỷ USD, tăng 14,3%…
Nhìn nhận về bức tranh xuất khẩu 2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, kết quả tăng trưởng của xuất khẩu năm 2021 là điểm sáng trong phát triển kinh tế đất nước với sự nỗ lực của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương, người dân, DN trong việc thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế”. Cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công Thương trong thực thi đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN. Đặc biệt là sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức sản xuất của các DN xuất khẩu nắm bắt cơ hội phục hồi từ các thị trường nhập khẩu, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu.
Đón đầu những cơ hội mới trong năm 2022
Từ thực tiễn vượt qua trở ngại của năm đại dịch thứ hai, nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam tự tin đưa ra đích đến mới cho năm 2022 như: Nông - lâm - thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 49 - 50 tỷ USD, dệt may 43 - 43,5 tỷ USD, giày dép - túi xách 20 - 21 tỷ USD…
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, mặc dù năm 2022, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nhưng các DN đã có nhiều kinh nghiệm có thể thích ứng, linh hoạt vừa sản xuất vừa chống dịch an toàn. Bên cạnh những khó khăn, năm 2022 các DN xuất khẩu hàng hóa được nhận định vẫn có những thuận lợi, khi khả năng chống chịu tăng lên; nhiều ngành hàng của Việt Nam được hưởng lợi từ các FTA, đặc biệt là FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)… Hơn nữa, chính những ưu đãi về thuế quan, sẽ tạo cơ hội để các DN Việt cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, các DN xuất khẩu vẫn phải đối mặt với một số khó khăn không dễ tháo gỡ như: Chi phí logistics cao, tình trạng thiếu container rỗng, ùn tắc vận tải biển, áp lực khó giao hàng đúng hẹn… Đây là những rào cản lớn đối với DN được các chuyên gia kinh tế chỉ ra, và những rào cản này sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2022. Thực tế năm 2021 cho thấy, không ít DN đã phải chuyển sang xuất hàng bằng đường hàng không, khiến chi phí bị đội lên rất nhiều, ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của hàng Việt tại thị trường quốc tế cũng như lợi nhuận của DN.
Nhằm hỗ trợ DN và thúc đẩy xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Bộ Công Thương đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu; chú trọng triển khai các FTA nhằm phát huy có hiệu quả ưu đãi của hiệp định. Đồng thời, ưu tiên hoạt động xúc tiến xuất khẩu và sớm khôi phục các thị trường xuất khẩu sau dịch Covid-19. Cùng với đó, tập trung theo dõi sát từng thị trường để rà soát, xác định những chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Phân tích về yếu tố thị trường xuất khẩu, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, về giải pháp trước mắt, Việt Nam vẫn phải khai thác triệt để tiềm năng lớn của thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, các DN cũng cần tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực, không bỏ lỡ các thị trường nhỏ và ngách. Đặc biệt là chú trọng nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa, tránh tái diễn các vụ hàng Việt Nam xuất khẩu liên tục bị cảnh báo, bị trả về (cá tra, tôm đông lạnh, gạo thơm…) như thời gian qua. Đồng thời tăng cường ngoại giao để khai mở thêm những thị trường mới đang có nhiều tín hiệu tốt như: Ấn Độ, Nam Mỹ, Trung Đông và Australia. Từ đó tiếp tục viết nên những kỳ tích thương mại trong năm mới 2022.
"Kết quả xuất nhập khẩu năm 2021 về đích cao kỷ lục trong bối cảnh khó khăn bủa vây bởi Covid-19 đã đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Đó là một sự chuyển mình ấn tượng của cả nền kinh tế và là tiền đề quan trọng cho năm 2022." - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
"Đại dịch Covid-19 đã cho các DN thấy những bài học rất lớn, đó là cần quan tâm chú trọng đến việc quản lý rủi ro, phòng ngừa rủi ro, cụ thể là những yếu tố về đứt gãy nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng. Đặc biệt, các biện pháp bảo hộ của thị trường nhập khẩu gây ra những khó khăn nhất định, điều này đòi hỏi DN cần chuẩn bị kỹ lưỡng để ứng phó hiệu quả." - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại
và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang