Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất nhập khẩu với Mỹ: Không dễ chơi

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong các thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam, Mỹ là thị trường đáng quan tâm, cần được nhận diện đầy đủ và kịp thời, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp.

Nhiều điểm vượt trội
Điểm vượt trội dễ nhìn thấy nhất là quy mô kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các thị trường. Trong 5 tháng đầu năm nay, tỷ trọng này đã đạt 22,4%, vượt xa tỷ trọng của thị trường lớn thứ 2 (là Trung Quốc, chiếm 13,3%).
Việt Nam cũng là thị trường đứng thứ 12 năm 2018 xuất khẩu vào Mỹ và 2019 được dự báo có thể vượt qua Ireland và Italia lên đứng thứ 10.
Các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, giày dép, điện thoại, máy tính, các loại linh kiện, túi xách, ví, va li, hạt điều... Một số mặt hàng xuất khẩu vào Mỹ của Việt Nam đứng thứ hạng cao trong các nước, như dệt may chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ.
Trong tổng số 19 mặt hàng xuất khẩu của cả nước đạt trên 1 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, riêng xuất khẩu sang Mỹ đã có 6 mặt hàng (dệt may, điện thoại, máy tính, các loại linh kiện, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ).
Điểm vượt trội thứ hai là tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ đạt tốc độ khá cao. So với cùng kỳ năm trước, 5 tháng đầu năm nay xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 28%, cao gấp gần 4,2 lần tốc độ tăng trưởng chung của tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, cao hơn tốc độ tăng của các năm trước (năm 2017 tăng 8,2%, năm 2018 tăng 14,2%).
 10 nhóm xuất khẩu hàng hóa đạt mức tăng lớn nhất về giá trị trong 4 tháng năm 2019. (Nguồn Tổng cục Hải quan).
Điểm vượt trội thứ ba là xuất siêu của Việt Nam sang thị trường Mỹ khá lớn, cao hơn cùng kỳ năm trước cả về quy mô tuyệt đối (16,7 tỷ USD so với 12,9 tỷ USD), cả về tỷ lệ xuất siêu (74,2% so với 73,3%).
Nhờ xuất siêu lớn và tăng so với cùng kỳ năm trước đã bù cho việc nhập siêu lớn và tăng lên từ Trung Quốc và một số thị trường khác (như Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, Singapore...).
Cảnh báo cần thiết
Bên cạnh những điểm vượt trội trong quan hệ xuất, nhập khẩu của Việt Nam với thị trường Mỹ cũng có một số điểm cần cảnh báo. Đó là cần đề phòng các rào cản kỹ thuật của Mỹ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.
Mặc dù so với tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ còn thấp (năm 2018 mới đạt khoảng 2%), nhưng đối với những mặt hàng đã có quy mô xuất khẩu lớn vào Mỹ thì các DN Việt Nam cần tránh “bỏ trứng vào một giỏ”, đó là những mặt hàng như: Dệt may, điện thoại các loại và linh kiện, một số mặt hàng thủy sản... để tránh áp thuế suất cao, hạn chế về lượng... Một cảnh báo khác là những mặt hàng mà Mỹ đòi hỏi phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, dư lượng kháng sinh... để tránh “thẻ vàng”, bị trả về...
Về xuất xứ hàng hóa theo quy định của các Hiệp định Thương mại giữa 2 nước, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra đã 1 năm, hiện “bất định” về thời gian, về quy mô, các hệ lụy tiếp theo như chiến tranh công nghệ, chiến tranh tiền tệ (tỷ giá), chiến tranh tài chính (Trung Quốc bán trái phiếu chính phủ Mỹ với khối lượng lớn, với giá rẻ). Mỹ dễ nghi ngờ các DN Trung Quốc (kể cả các DN Trung Quốc có ở Việt Nam) sẽ mượn danh Việt Nam để xuất khẩu vào Mỹ nhằm né thuế.
Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn và có xuất siêu lớn với Mỹ, cũng là nước mà Mỹ có nghi ngờ và có yêu cầu phải “cân bằng” hơn trong cán cân thương mại giữa 2 nước. Mới đây Mỹ cũng đã đưa Việt Nam vào danh sách là một trong các nước cần kiểm soát việc “thao túng tiền tệ”.