70 năm giải phóng Thủ đô

Xuất siêu sẽ sớm quay trở lại

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều năm duy trì xuất siêu, 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập siêu 1,47 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý nhận định, cán cân thương mại đổi chiều tại thời điểm này không đáng lo ngại, thậm chí còn tạo tiền đề cho sản xuất trong nước phục hồi và thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh những tháng cuối năm.

Không lo ngại nhập siêu

Thông tin từ Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,7 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 157,6 tỷ USD, tăng 28,4%; nhập khẩu đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1%. Cán cân thương mại 6 tháng đầu năm 2021 nhập siêu 1,47 tỷ USD.

Đáng chú ý, trong 6 tháng năm 2021 có 31 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 87,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, đó là: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 33,3 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 22,9 tỷ USD, tăng 37,3%; điện thoại và linh kiện đạt 8,9 tỷ USD, tăng 48,7%; vải đạt 7,3 tỷ USD, tăng 32,3%; sắt thép đạt 5,7 tỷ USD, tăng 40,8%...

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 149,3 tỷ USD, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 93,9% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,4 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 25,2 tỷ USD, tăng 21,1%; thị trường ASEAN đạt 20,9 tỷ USD, tăng 47,7%; Nhật Bản đạt 10,6 tỷ USD, tăng 12,3%; thị trường EU đạt 8,1 tỷ USD, tăng 16,3%; Mỹ đạt 7,7 tỷ USD, tăng 9,5%.
 Sản xuất linh kiện điện tử tại khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Hải Linh
Đánh giá về tình hình thương mại 6 tháng đầu năm, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, vào thời điểm hiện tại, nhập siêu không đáng lo ngại, bởi Việt Nam chủ yếu nhập khẩu linh, phụ kiện, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Đây sẽ là tiền đề cho sản xuất và sẽ thúc đẩy xuất khẩu mạnh hơn trong các chu kỳ sau.

Nhìn nhận về cán cân thương mại đảo chiều, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải phân tích, đây là mức nhập siêu nhẹ và không có gì quá bất thường. Hiện nay, các mặt hàng nhập khẩu nhiều chủ yếu là các nguyên liệu để phục vụ cho hoạt động sản xuất, đặc biệt trong đó phục vụ cho sản xuất của nhóm hàng xuất khẩu. Đơn cử như, linh kiện điện tử, các nguyên, phụ liệu trong ngành dệt may, da giày là những ngành sản xuất trong nước hiện nay đang có đà phục hồi tăng trưởng rất mạnh mẽ nên sự gia tăng nhập khẩu cũng là điều tất yếu.

Hướng tới mục tiêu tăng trưởng 4 - 5%

Nhận định về những khó khăn đối với hoạt động khẩu hiện nay, Bộ Công Thương đánh giá, từ cuối năm 2020 đến nay, khó khăn nằm ở khâu kết nối cung - cầu logistics. Những vấn đề như chi phí container rỗng gia tăng hoặc thiếu hụt các chuyến tàu, đặc biệt là đi các thị trường châu Âu, châu Mỹ đã làm cho chi phí vận chuyển tăng lên rất nhiều. Còn ở trong nước, dịch Covid-19 bùng phát ở một số địa phương, việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cũng tác động nhất định đến khâu vận chuyển, lưu thông, gây ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa.

Để góp phần đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2021 tăng khoảng 6,5%, ngành công thương phấn đấu đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2021 tăng khoảng 4 - 5% so với năm 2020, tiếp tục duy trì đà xuất siêu. Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay chưa được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới, đây là chỉ tiêu hợp lý để phấn đấu. Đưa ra những cơ hội xuất khẩu, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng, năm 2020, Việt Nam có 3 FTA đã đi vào thực hiện và được ký kết, đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA). Đây là những hiệp định có quy mô lớn, được kỳ vọng sẽ giúp cho hoạt động xuất khẩu của các DN trong nước phát triển mạnh mẽ.

Theo TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), xuất khẩu vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn do các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt rào cản phi thuế quan. Thêm vào đó là sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào; các chi phí vận chuyển, lưu kho tăng. Do đó, mỗi DN, hiệp hội ngành hàng cần nỗ lực trong phát triển thương mại quốc tế truyền thống kết hợp với thương mại điện tử. “Để bảo đảm tăng trưởng xuất khẩu bền vững, Việt Nam cần nghiên cứu các giải pháp đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Cùng với đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc để có giải pháp ứng phó kịp thời trước khả năng hàng Trung Quốc lợi dụng xuất xứ Việt Nam trong cuộc chiến thương mại với Mỹ” - TS Trần Thị Hồng Minh lưu ý.

Tận dụng cơ hội từ các FTA, tăng khả năng thích ứng

Theo dự báo của Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang được thực thi một cách toàn diện, hiệu quả hơn. Các FTA sẽ tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Nhiều tín hiệu khả quan khi giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu. Bên cạnh đó, ở các nước EU, Mỹ đang dỡ bỏ dần hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa khi đã tiêm đủ số lượng vaccine; nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại. Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng có thế mạnh.

Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 ở nhiều địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… là những tỉnh có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu của cả nước. Trong khi đó trên thế giới, châu Á tiếp tục là tâm điểm với số ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng nhanh chóng, khiến hàng loạt quốc gia, vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia, Thái Lan phải áp đặt phong tỏa và thắt chặt các biện pháp kiểm soát nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Do đó, bản thân DN phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới.

Để thúc đẩy xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA nhằm phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Đồng thời, Bộ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời; đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu và phát triển thương hiệu.

"Cùng với việc bám sát và khẩn trương triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành hữu quan tập trung xử lý một số vấn đề ở các khu vực thị trường lớn, đặc biệt là với Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU."- Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

"Việc các hiệp hội, DN cần làm hiện nay là phải nắm bắt thông tin và tận dụng cơ hội từ các FTA. Bởi, khi dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới, sẽ không loại trừ những nước là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Mặc dù các FTA không thể bù đắp được sự sụt giảm về kim ngạch nhưng sẽ có tác dụng đáng kể trong việc giảm thiếu hụt đơn hàng." - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Nguyễn Anh Dương