Ngày 13/9, Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng tổ chức Chung khảo giải thưởng “Nhà giáo Đan Phượng tâm huyết, sáng tạo” năm học 2021 - 2022 với sự góp mặt của 9 giáo viên xuất sắc nhất được tuyển chọn qua các vòng thi của 50 trường học trên địa bàn huyện.
Dạy học là nghệ thuật sáng tạo không ngừng
5 năm trong nghề không phải là thời gian dài, song với cô giáo Đỗ Thị Kim Chinh, trường Tiểu học Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, quãng thời gian ấy là cả một thời bùng cháy đam mê với trường, lớp và rất nhiều kỷ niệm với học sinh.
Là một giáo viên trẻ, mới đi dạy chưa lâu thì gặp dịch Covid-19, học sinh phải học trực tuyến ở nhà, cô giáo Đỗ Thị Kim Chinh luôn trăn trở làm sao để truyền tải bài học tốt nhất cho học trò. Nghĩ là làm, cô bắt tay vào mày mò tìm hiểu, xây dựng website học tập có địa chỉ https://tieuhocdongthap.com. Trên đó có đăng tải các dạng bài tập được thiết kế những câu hỏi liên quan đến bài học. Học sinh có thể truy cập dễ dàng và làm bài tập các môn học, không bị đứt quãng kiến thức.
Từ sáng tạo của cô Chinh, website học tập đã lan tỏa tới các giáo viên của trường Tiểu học Đồng Tháp từ năm học 2020 - 2021 cho đến nay và phát huy hiệu quả tích cực. “Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy là yêu cầu không thể thiếu, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay. Vì thế, tôi còn thiết kế trò chơi trên PowerPoint, mở các mục cho học sinh viết văn, thơ, viết về những cuốn sách yêu thích…” - cô Chinh chia sẻ.
Đặc biệt, nhằm lan tỏa văn hóa đọc, cô Chinh phối hợp cùng các phụ huynh tổ chức tặng sách cho học sinh, giúp các em phát triển kỹ năng sống cũng như thoải mái thư giãn hơn sau giờ học. Năm học vừa qua, lớp 2 do cô Chinh chủ nhiệm đã xây dựng được tủ sách gồm gần 500 cuốn sách ở nhiều thể loại, giúp học sinh có nhiều lựa chọn đọc và tìm hiểu kiến thức.
Hay như cô giáo Nguyễn Thị Trà Giang, giáo viên trường Mầm non Tân Hội A cũng tâm niệm: “Làm việc gì cũng phải tâm huyết thì mới đạt giá trị cao”. Suốt thời gian dài dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trẻ không được đến trường. Ở nhà tiếp xúc nhiều với tivi, máy tính, điện thoại, iPad… dẫn đến trẻ có tâm lý ngại đến trường, lười vận động, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm sinh lý. Làm sao để trẻ thích đến trường là câu hỏi mà cô Trà Giang luôn đau đáu.
Thế rồi, cô đã tìm được câu trả lời: Xây dựng lớp học hạnh phúc cho trẻ. Ngoài 30 phút cho trẻ hoạt động ngoài trời theo quy định, cô Nguyễn Thị Trà Giang còn thiết kế nhiều hoạt động bên ngoài để trẻ quan sát, đam mê khám phá thiên nhiên, cây cỏ. Đơn giản chỉ là cho trẻ vòng tay ôm cái cây, quan sát lá cây dưới ánh nắng mặt trời, nhặt hoa ép khô, vẽ tranh quan sát…
“Tôi nhận thấy cho trẻ ra ngoài để học tập giúp trẻ sáng tạo hơn, thêm yêu thiên nhiên cây cỏ và từ đó nuôi dưỡng một tâm hồn đẹp” - cô giáo Nguyễn Thị Trà Giang tâm sự.
Gắn bó với nghề giáo 17 năm nay, cô giáo Phạm Thị Hồng Hạ, giáo viên trường THCS Lương Thế Vinh cũng đặc biệt quan tâm đến nuôi dưỡng tâm hồn cho học sinh. Vừa dạy môn Hóa, Địa, vừa tham gia công tác giáo viên chủ nhiệm, cô Hạ thường tìm hiểu kỹ về học sinh qua phiếu thông tin, trao đổi với phụ huynh cũng như trò chuyện trực tiếp với các em.
Trong lớp học của cô Hạ, hình ảnh dễ nhận thấy là những sticker, hình vẽ thể hiện cảm xúc như vui, buồn, giận dữ… Cô khuyến khích học sinh vẽ ra cảm xúc của mình để cô trò chia sẻ, giúp các em giải tỏa tâm lý tiêu cực.
Đặc biệt, cô Phạm Thị Hồng Hạ còn đi đến khắp các địa danh văn hóa lịch sử trên địa bàn như Đền Hiến thờ danh nhân Tô Hiến Thành (xã Hạ Mỗ), tượng đài Phụ nữ Ba đảm đang (thị trấn Phùng), hát chèo Tàu (xã Tân Hội), làng diều Bá Giang (xã Hồng Hà)… để quay video clip rồi về giới thiệu cho học sinh. “Qua đó, tôi muốn các em có thêm kiến thức về văn hóa lịch sử địa phương và thêm tự hào về vùng đất Đan Phượng” - cô Hạ tâm sự.
Tất cả vì học sinh thân yêu
Giải thưởng “Nhà giáo Đan Phượng tâm huyết, sáng tạo” được tổ chức nhằm tôn vinh những nhà giáo tâm huyết với nghề dạy học, có đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. Đây là giải thưởng do Sở GD&ĐT Hà Nội phát động lần đầu tiên vào năm học 2016 - 2017 với mục đích tuyên truyền, vận động cán bộ giáo viên tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, tạo ra những hiệu quả mới, những biến chuyển mới ở mỗi đơn vị nhà trường.
Tại huyện Đan Phượng, năm học 2021 - 2022 có tổng số 50/54 trường tham gia tổ chức giải ở cấp trường. Trong đó, trường Mầm non Thọ Xuân có số lượng giáo viên tham gia nhiều nhất là 12 người, nhiều trường có từ 7 - 9 giáo viên tham gia. Thông qua các vòng thi cấp trường, huyện Đan Phượng đã lựa chọn ra 62 giáo viên vào vòng sơ khảo.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng cho biết, thông qua vòng sơ khảo, huyện đã chọn ra 9 giáo viên xuất sắc nhất dự chung khảo “Nhà giáo Đan Phượng tâm huyết, sáng tạo” năm học 2021 - 2022.
“Chúng tôi đánh giá cao tâm huyết, tinh thần đổi mới sáng tạo của các giáo viên trong quá trình giảng dạy. Nhiều bài báo cáo dự thi đạt chất lượng rất tốt với mục đích chung là mang đến những điều tốt đẹp nhất cho học sinh” - bà Bùi Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Giải thưởng “Nhà giáo Đan Phượng tâm huyết, sáng tạo” năm học 2021 - 2022 được chấm trên cơ sở hai tiêu chí: Tâm huyết và sáng tạo. Trong đó có các nội dung như việc làm thể hiện là một nhà giáo có phẩm chất đạo đức tốt; ý thức tự học, tự nâng cao trình độ; say mê với nghề; chủ động sáng tạo trong vận dụng khoa học giáo dục tiên tiến vào thực tiễn giảng dạy đem lại hiệu quả tích cực…
Trực tiếp lắng nghe, góp ý cho báo cáo của các giáo viên dự chung khảo giải thưởng “Nhà giáo Đan Phượng tâm huyết, sáng tạo” năm học 2021 - 2022, TS Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam đánh giá cao những tâm huyết, sáng tạo của các cô giáo huyện Đan Phượng.
“Giải thưởng không chỉ là vinh dự của các thầy cô giáo, nhà trường mà còn là dịp để các giáo viên sinh hoạt trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ rất bổ ích với mục đích cuối cùng là làm những điều tốt đẹp nhất cho học sinh” - TS Nguyễn Ngọc Ân bày tỏ.
Kết thúc vòng chung khảo, Ban Tổ chức đã trao 3 giải Xuất sắc cho các thí sinh: Mầu Thị Hiền - trường Mầm non Đan Phượng; Kim Thị Lan - trường Tiểu học Tân Lập B; Phạm Thị Hồng Hạ - trường THCS Lương Thế Vinh.
3 giải A1 thuộc về các thí sinh: Nguyễn Thị Trà Giang - trường Mầm non Tân Hội A; Nguyễn Thị Bích Liên - trường Tiểu học Tân Hội A; Nguyễn Thị Nga - trường THCS Liên Hồng.
3 giải A2 thuộc về các thí sinh: Nguyễn Thị Nghi - trường Mầm non Tân Hội B; Đỗ Thị Kim Chinh - trường Tiểu học Đồng Tháp; Nguyễn Thị Thu - trường THCS Tô Hiến Thành.