Xúc tiến thương mại, cú hích đưa hàng Việt thâm nhập thị trường Trung Quốc

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện, Trung Quốc vẫn đang là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2023, ngành công thương sẽ triển khai đa dạng, linh hoạt nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ hiệu quả cho DN xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Doanh nghiệp sốt sắng thâm nhập thị trường Trung Quốc

Từ khi Trung Quốc thông báo mở cửa biên giới trở lại, nhiều DN xuất khẩu Việt Nam sốt sắng tìm cách đưa hàng hóa thâm nhập vào thị trường này bừng con đường chính ngạch nhằm nâng cao giá trị hàng hóa và kim ngạch xuất khẩu.

Đơn cử như Công ty TNHH Nguyễn Hồng có sản phẩm phô mai được sản xuất theo công nghệ của Nga, đang được tiêu thụ chính tại Việt Nam và xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Malaysia. DN này mong muốn trong thời gian tới sẽ xuất khẩu được khoảng 20% tổng sản lượng.

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Hồng Nguyễn Hồng Trí chia sẻ, với năng lực 2 triệu kg phomai/năm, sản xuất 100% từ sữa tươi, không sử dụng chất bảo quản, đáp ứng tiêu chuẩn ISO, Halal và đã được thị trường Việt Nam chấp nhận 10 năm qua, Công ty TNHH Nguyễn Hồng tự tin có thể thâm nhập thị trường Trung Quốc.

Hiện, DN đang tìm hiểu các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến sản phẩm, mong muốn tìm đối tác để đồng hành gia nhập thị trường Trung Quốc. Việc có sản phẩm chất lượng tốt và đủ giấy tờ để xuất khẩu rất khác nhau nên cần có đối tác ở nước sở tại để hỗ trợ.

Đánh giá về tiềm năng thị trường Trung Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế IRIS Nguyễn Cẩm Uyên nhận định: Thị trường Trung Quốc gần gũi, giao thương thuận lợi, văn hóa tiêu dùng tương tự, cùng sự hỗ trợ của Chính phủ 2 nước nên rất tiềm năng cho DN tích cực tìm hiểu và xuất khẩu.

Để thâm nhập thành công thị trường 1,4 tỷ dân này, DN mong muốn Chính phủ có chính sách hỗ trợ cởi mở hơn, hướng dẫn thủ tục giấy tờ để DN trong nước mang hàng sang nước bạn dễ dàng. Cùng với đó, thông qua các hoạy động xúc tiến thương mại, DN sẽ tìm được bạn hàng và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử của Trung Quốc.

Tranh thủ các cơ hội khi Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại từ 8/1/2023, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với các địa phương, Bộ NN&PTNT hướng dẫn DN hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu chính ngạnh để xuất khẩu hiệu quả sang thị trường này.

Mới đây nhất, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Sở Thương mại Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế Việt Nam – Trung Quốc (Vân Nam). Sự kiện thu hút sự tham gia của 50 DN Trung Quốc và hàng trăm DN Việt Nam hoạt động trên nhiều lĩnh vực ngành hàng.

Chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, trong quan hệ thương mại, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc rất lớn. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử; đồng thời nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản ôn đới...

Tuy nhiên, để khai thác hết tiềm năng và lợi thế giữa hai nước, cộng đồng DN cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành.

Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà đề nghị, Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng vùng biên giới để tạo động lực và liên kết vùng trong hoạt động thương mại biên giới.

Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT cần ưu tiên tổ chức triển khai kế hoạch tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trên phạm vi cả nước ngay từ đầu năm. Từ đó, cân đối được bài toán quy mô sản xuất và năng lực tiêu thụ của thị trường, nâng cao hơn nữa giá trị nông sản.

Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh công tác xây dựng, phát triển, quảng bá các sản phẩm thương hiệu quốc gia, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và thương hiệu ngành hàng ở thị trường Trung Quốc. Nhiệm vụ này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng và cộng đồng DN.

Cục Xúc tiến thương mại cũng sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức các hội nghị kết nối hỗ trợ thông tin cho DN xuất, nhập khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản sang thị trường Trung Quốc. Trong khuôn khổ chương trình, Vụ thị trường châu Á - châu Phi và các Thương vụ Việt Nam tại nước bạn sẽ cung cấp những thông tin cụ thể về thị trường, những vấn đề thường gặp khi xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, các Thương vụ, chi nhánh Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cũng sẽ tăng cường trao đổi, giải đáp các thắc mắc và hỗ trợ kết nối với thị trường này. Về phía DN, cần chủ động nghiên cứu, tiếp cận thị trường Trung Quốc thông qua các sàn thương mại điện tử.

 

Năm 2023, cùng với tận dụng tốt cơ hội Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại, Bộ Công Thương sẽ triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. (Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú)