Xúc tiến thương mại năm 2012: Thiếu kinh phí, khó mở rộng thị trường

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 108 tỷ USD năm 2012, hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) phải đi trước một bước. Thế nhưng, hiện kinh phí cho hoạt động này không nhiều, gây khó cho việc mở rộng thị trường, tăng kim ngạch XK.

Kinh phí “nhỏ giọt”!

Số liệu của Cục XTTM, Bộ Công Thương cho thấy, trong giai đoạn 2006 - 2010 Chương trình XTTM quốc gia ký kết được 11.932 hợp đồng và biên bản ghi nhớ trị giá 3 tỷ 583 triệu USD. Trong năm 2011, thông qua hoạt động này trị giá các hợp đồng ký kết lên đến 800 triệu USD.

Mặc dù hoạt động XTTM góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh ngạch XK, nhưng kinh phí cho hoạt động này đang ngày càng bị cắt giảm. Năm 2010, hoạt động XTTM được bố trí kinh phí 120 tỷ đồng thì  năm 2011, chỉ bố trí 55 tỷ đồng (bằng 45,83% năm 2010).

Chủ tịch Hiệp hội XK hàng thủ công mỹ nghệ Đỗ Như Đính nhận định: Kinh phí XTTM nhà nước cấp 55 tỷ đồng, địa phương khoảng 300 tỷ đồng. Tổng cộng khoảng 355 tỷ đồng, so với sự tăng trưởng thương mại, XK gần 100 tỷ USD, thị trường trong nước tăng trưởng gần 30%, cho thấy kinh phí XTTM ở nước ta quá thấp so với nhu cầu thực tế. Theo ông Đỗ Thắng Hải, Cục trường Cục XTTM, đây không phải là lần đầu tiên kinh phí XTTM bị cắt giảm, mà từ năm 2009 kinh phí này đã bị cắt giảm. Hiện kinh phí cho XTTM quốc gia chỉ bằng 1/30 so với mức trung bình của thế giới, bằng 13,6% nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp. Việc cắt giảm kinh phí XTTM chưa ảnh hưởng ngay đến hoạt động XK, nhưng có thể ảnh hưởng đến việc tăng kim ngạch XK trong nhiều năm sau.

Có một thực tế, bản thân doanh nghiệp cũng có thể tự đi sang nước ngoài để giới thiệu sản phẩm của mình. Nhưng làm như vậy sẽ không liên kết được các doanh nghiệp tạo sức mạnh tổng hợp trong việc quảng bá hàng Việt Nam trên thị trường thế giới. Kinh phí càng hạn hẹp lại phải chi cho nhiều đề án dễ dẫn đến tình trạng xé lẻ, manh mún khi phân bổ kinh phí, khiến kết quả thu được bị hạn chế.

 
Đa dạng hoạt động XTTM

Để hoạt động XTTM đạt hiểu quả cao, ông Đào Trần Nhân, Tham tán thương mại tại Hoa Kỳ cho rằng: Hoạt động XTTM phải đổi mới phương thức hoạt động nhất là tham tán thương mại phải làm tốt công tác tìm kiếm thị trường, đối tác cho doanh nghiệp. Bộ Công Thương nên dành một phần quỹ XTTM mời đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ vào Việt Nam, thăm cơ sở, tư vấn cải thiện điều kiện sản xuất, kiểm tra chất lượng hàng hóa cho phù hợp với chuẩn mực của Hoa Kỳ.

 Các hiệp hội ngành hàng đề xuất: Nên sớm hình thành các trung tâm XTTM  giới thiệu hàng XK của Việt Nam ở các nước, các thị trường có nhu cầu, trong đó thương mại hiểu theo nghĩa rộng là mở mang sự hiện diện của sản phẩm Việt Nam. Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam Lương Văn Tự cho rằng: Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nên cử đại diện tham gia các hiệp hội, ngành hàng của nước sở tại có quan hệ nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Trên thực tế, nhiều thông tin quan trọng chỉ có thể nắm được nếu là thành viên của hiệp hội, ngành hàng đó.

Để nâng cao hiệu quả công tác XTTM trong khi lượng kinh phí không nhiều, bên cạnh việc chú trọng đầu tư vào các thị trường trọng điểm thì doanh nghiệp, Bộ Công Thương nên có phương thức XTTM đa dạng. Ví dụ thị trường Mỹ có thể tổ chức các hội chợ chuyên ngành thay vì các hội chợ tổng hợp. Trong khi thị trường Nga lại có thể làm ngược lại. Bên cạnh đó, tùy theo từng thị trường, mặt hàng mà các doanh nghiệp có những giải pháp XTTM cụ thể. Tuy nhiên điều quan trọng nhất của các ngành hàng là cần giảm bớt đầu mối trung gian, tiến tới ký hợp đồng trực tiếp. Ngoài ra, doanh nghiệp nên thành lập kho ngoại quan ở nước ngoài từ đó trực tiếp bán vào hệ thống phân phối, giúp giảm trung gian, hạ giá thành, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.

Do kinh phí thực hiện hoạt động không dồi dào nên hoạt động XTTM quốc gia năm 2012 sẽ ưu tiên các đề án XTTM tại các thị trường XK chủ lực là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông - Nam Á…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần