Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xúc tiến trình Chính phủ đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự kiến, đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ được trình Chính phủ vào đầu tháng 4 sắp tới và được triển khai từ năm 2024. 

Đến nay, 12/13 tỉnh, thành ĐBSCL đã đăng ký tham gia đề án với định hướng vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao đến năm 2025 đạt 719.000 ha và đến năm 2030 đạt hơn 1,015 triệu ha. Trong đó, tỉnh An Giang là địa phương đăng ký vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao lớn nhất (dự kiến đến năm 2025 đạt 150.000 ha và đạt 200.000 ha vào năm 2030).

Để triển khai được trên 200.000 héc ta vào năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) yêu cầu các tỉnh thành ĐBSCL rà soát lại diện tích 184.000 ha lúa nằm trong dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) về cơ sở hạ tầng, thủy lợi, hợp tác xã, bao nhiêu diện tích đã có doanh nghiệp bao tiêu, bao nhiêu diện tích chưa bao tiêu và cần mời thêm doanh nghiệp tham gia… nhằm đưa toàn bộ diện tích này vào thực hiện sớm cho đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. 

Cần Thơ họp rà soát lại diện tích đã tham gia dự án VnSAT đang được triển khai thực hiện tại huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai. Ảnh Hồng Thắm 
Cần Thơ họp rà soát lại diện tích đã tham gia dự án VnSAT đang được triển khai thực hiện tại huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai. Ảnh Hồng Thắm 

Khẩn trương rà soát

Nhằm sớm có báo cáo gửi Bộ NN-PTNT, ngày 21/3, ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã có buổi làm với Sở NN - PTNT TP Cần Thơ và các đơn vị liên qua để rà soát lại diện tích trồng lúa chất lượng cao trên địa bàn thành phố.

Theo đó, TP. Cần Thơ dự kiến đăng ký vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao đến năm 2025 đạt 50.000 ha và duy trì ổn định con số này đến năm 2030. 

TP Cần Thơ có nhiều điều kiện thuận lợi khi tham gia đề án; đó là chuyển diện tích của dự án VnSAT đang được triển khai thực hiện tại huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai với tổng diện tích là 34.000 ha. Trong đó, huyện Vĩnh Thạnh có 14.284 ha, huyện Cờ Đỏ có 9.716 ha, huyện Thới Lai tham gia với hơn 10.000 ha.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: ĐBSCL là vùng lúa trọng điểm của cả nước, vùng lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh ở ĐBSCL phải tạo ra thu nhập cao hơn cho người trồng lúa, giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, làm động lực cho việc bảo vệ quỹ đất chuyên lúa lâu dài. 

"Cốt lỗi của vấn đề lúa gạo phát triển chất lượng cao là hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh lực doanh nghiệp. Để tạo ra chuỗi giá trị lúa gạo, không thể để nông dân trồng lúa nhỏ lẻ, manh mún. Cần dẫn dắt cho nông dân vào các tổ hợp tác, hợp tác xã; đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp để đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất; sản xuất gắn với tiêu thụ tạo thành chuỗi.", ông Nguyễn Ngọc Hè nhấn mạnh.

Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát lại diện tích 34.000 ha tham gia dự án VnSAT, đây là nền tảng để tham gia đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao. Cụ thể, diện tích trên đã bị ảnh hưởng bởi các dự án đường giao thông thu hẹp bao nhiêu; hay diện tích hợp tác xã trồng lúa theo hướng chất lượng cao sẽ giúp đề án mở rộng thêm diện tích thế nào. Cạnh đó, phân tích diện tích thực hiện tốt chất lượng cao của dự án VnSAT, bao nhiêu hợp tác xã, diện tích bao nhiêu để sớm có báo cáo gửi Bộ NN-PTNT.

Cùng ngày, ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Kiên Giang cho biết, tỉnh đáp ứng được các điều kiện khi tham gia đề án, thậm chí tỉnh ra điều kiện còn “cao” hơn như sản xuất phải có hợp tác xã, hạ tầng đảm bảo, phải có doanh nghiệp thu mua.

Theo ông Lê Hữu Toàn, UBND tỉnh Kiên Giang đã có công văn đăng ký với Bộ NN - PTNT về kế hoạch tham gia đề án. Theo đó, năm 2025, tỉnh Kiên Giang đăng ký tham gia 25.000 ha; đến năm 2030 đăng ký 200.000 ha diện tích trồng lúa chất lượng cao.

Tại Vĩnh Long, UBND tỉnh cũng đã thống nhất với mục tiêu cũng như các nội dung thực hiện của đề án. Đồng thời, tỉnh đăng ký tham gia thực hiện đề án với quy mô 20.000 ha trên địa bàn các huyện Tam Bình, Vũng Liêm, Long Hồ và Bình Tân.

Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL với mục tiêu lớn nhất là giảm chi phí, tăng giá trị sản xuất và đảm bảo môi trường sinh thái.
Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL với mục tiêu lớn nhất là giảm chi phí, tăng giá trị sản xuất và đảm bảo môi trường sinh thái.

Giải bài toán thu nhập cho nông dân

Chuyên gia cao cấp về kinh tế nông nghiệp của Ngân hàng thế giới (WB), ông Animesh cho rằng, bên cạnh thách thức về biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sang sản xuất lúa chất lượng cao như đề án đang đối mặt với hai thách thức lớn khác, đó là bài toán thu nhập của người nông dân và phát triển thị trường.

Về thu nhập, lúa là loại cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam nhưng đáng tiếc việc sản xuất lúa chưa giúp mang lại thu nhập cao cho người nông dân. “Sẽ không đảm bảo được vấn đề an ninh lương thực nếu không thay đổi được điều đó” - ông Animesh nói và cho rằng thay đổi này (nâng cao thu nhập cho nông dân) là rất quan trọng.

Theo ông Li Gou (chuyên gia cao cấp WB), vùng ĐBSCL có nền tảng và kinh nghiệm tốt từ dự án VnSAT, đây sẽ là tiền đề để xây dựng thành công đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao. Việc áp dụng các kỹ thuật canh tác bền vững trong đề án sẽ giúp bà con nông dân tiết giảm chi phí đầu vào, nâng cao thu nhập, tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt là nâng cao khả năng tiếp cận nguồn tài chính các-bon mà thế giới đang hướng tới.

Cũng theo chuyên gia WB, dự kiến thu nhập của bà con nông dân sẽ được nâng thêm khoảng 20% thông qua cải thiện về năng suất và chất lượng  bên cạnh giảm chi phí sản xuất. Năng lực cạnh tranh của lĩnh vực sản xuất lúa được nâng cao, dấu ấn giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng sẽ được định hình, hệ sinh thái nông thôn được phục hồi. Từ đó, chuỗi giá trị lúa gạo trong đề án sẽ được tăng cường cả về thế mạnh và chiều sâu.

 

Theo Bộ NN - PTNT, mục tiêu của đề án đến năm 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn vùng ĐBSCL đạt trên 500 nghìn ha, tương ứng khoảng 1 triệu ha gieo trồng và sản lượng đạt khoảng 6,2 triệu tấn lúa (khoảng 3,8 triệu tấn gạo). Lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 35%. Rơm rạ được thu gom khỏi đồng ruộng và được tái sử dụng, chế biến đạt 80% diện tích thu hoạch.

Mục tiêu đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn vùng ĐBSCL đạt 1 triệu ha, tương ứng khoảng 2 triệu ha gieo trồng và sản lượng đặt khoảng 12,4 triệu tấn lúa (khoảng 7,7 triệu tấn gạo); Lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 40%; giảm phát thải khí nhà kính trên 20%.