Tuy nhiên, rủi ro lại đang “chĩa thẳng” về người mua vàng bởi lâu nay, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn quá cao, cộng thêm rủi ro chênh lệch mua vào - bán ra ngày càng rộng cũng khiến kênh đầu tư vàng không phù hợp để lướt sóng.
Vàng có thể lên tới 2.000 USD/ounce
Lâu nay, vàng luôn được xem là “hầm trú ẩn” tài sản an toàn mà vẫn có khả năng sinh lời, nhất là trước những diễn biến phức tạp từ tình hình dịch bệnh, các căng thẳng thương mại, chính trị cho đến quân sự tại nhiều quốc gia. Mới đây nhất, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine càng khiến tình hình thêm “rối ren”, với những dự báo về hệ lụy tiêu cực từ cuộc chiến tới kinh tế toàn cầu.
Trong phiên giao dịch ngày 3/3, giá vàng trên sàn Kitco đang ở quanh mức 1.930 USD/ounce, nhưng vào cuối tháng 2/2022, giá vàng thế giới đã có lúc vọt lên mức 1.950 USD/ounce - mức cao nhất kể từ giữa tháng 8/2020. Theo giới phân tích quốc tế, căng thẳng địa chính trị gia tăng và kỳ vọng tăng lãi suất cơ bản đồng USD từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cùng những biến động mạnh từ thị trường chứng khoán, thị trường tiền điện tử đã đè nặng lên tâm lý trên thị trường tài chính, khiến các nhà đầu tư phải tìm kiếm những nơi trú ẩn an toàn như vàng.
Trước diễn biến tăng mạnh của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng đang nương theo để vọt lên đỉnh cao. Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, giá vàng biến động mạnh là một chỉ báo trực tiếp và nổi bật dễ thấy về tác động kinh tế của căng thẳng quan hệ Nga - Ukraine đến Việt Nam.
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 3/3, giá vàng SJC tại các thương hiệu vàng đang được niêm yết quanh mức 66 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 67 triệu đồng/lượng chiều bán ra, chênh lệch giá mua và bán lên tới 1 triệu đồng/lượng. Mức giá này dù đã giảm hơn so với một vài phiên giao dịch trước, nhưng nhiều thời điểm, giá vàng SJC đã lên mức 67,5 triệu đồng/lượng, thậm chí những ngày cuối tháng 2, giá vàng SJC đã tăng tới 3 triệu đồng/lượng chỉ trong 1 ngày.
Nhận định về diễn biến giá vàng, ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, vàng đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố, trong đó đáng kể nhất là tình hình lạm phát, căng thẳng chính trị thế giới cùng việc FED có khả năng tăng lãi suất sớm. Do đó, năm 2022, vị chuyên gia này nhận định, giá vàng thế giới có thể vượt mức 2.000 USD/ounce, nhưng nếu các yếu tố nêu trên giảm bớt thì giá vàng có thể vẫn đứng vững trên 1.800 USD/ounce, tương đương mức giá hồi đầu năm 2022.
Các nhà đầu tư trong nước không nên mua vàng để "lướt sóng", bởi đà tăng “nóng” của giá vàng trong nước không có sự bền vững, có thể giảm đột ngột nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hơn nữa, dù được dự báo giá vàng đi theo xu hướng tăng, nhưng sẽ chỉ là giai đoạn ngắn nên nhà đầu tư phải hết sức thận trọng, lựa chọn đúng giai đoạn giá cả hợp lý." - Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh
Cùng chung nhận định, đại diện một số công ty kinh doanh vàng trong nước cũng cho hay, căng thẳng giữa Nga và Ukraine sẽ thúc đẩy giá vàng đi lên. Hơn nữa, việc Mỹ và đồng minh châu Âu đưa ra các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga có thể dẫn đến rủi ro lạm phát, giá cả nhiều loại hàng hóa trong đó có dầu khí, kim loại, thực phẩm tăng vọt, kéo theo cả giá vàng.
“Hầm trú ẩn” có an toàn?
Điều dễ nhận thấy là giá vàng SJC vẫn đã vọt lên mức cao nhất trong lịch sử, nghĩa là những người mua 1 lượng vàng SJC từ đầu năm 2022 đã có thể lãi hơn 4 triệu đồng/lượng, tương đương 6,7%. Mặc dù dự báo giá vàng còn có thể đi lên, nhà đầu tư đang đứng trước khả năng sinh lời lớn, nhưng rủi ro lại đang “chĩa thẳng” về người mua vàng. Bởi lâu nay, thị trường vàng trong nước chưa liên thông với thị trường quốc tế, giá cả vẫn nằm trong tay DN kinh doanh vàng, nhà đầu cơ lớn, cộng thêm rủi ro chênh lệch giá mua - bán quá cao, chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới lên tới 12 - 14 triệu đồng/lượng… nên không phù hợp để đầu tư “lướt sóng”.
Giá vàng thế giới hiện đã phá vỡ những mốc cản quan trọng, các mốc cản kỹ thuật 1.930 USD/ounce và 1.950 USD/ounce cũng đã chinh phục được nên việc hướng tới mốc 2.000 USD/ounce là điều sớm muộn nếu các căng thẳng không có dấu hiệu hạ nhiệt. Thậm chí, nếu phá vỡ cột mốc này, giá vàng có thể hướng tới kỷ lục 2.074 USD/ounce đã đạt được hồi tháng 8/2020.
Tuy nhiên, diễn biến của giá vàng vẫn rất khó lường. Chẳng hạn, phát biểu trong phiên điều trần trước Quốc hội đêm 2/3 (theo giờ Việt Nam), ông Jerome Powell, Chủ tịch FED cho hay, cơ quan này đã sẵn sàng nâng lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng này nhằm hạ nhiệt lạm phát. Ngay lập tức, giá vàng hạ nhiệt, trong khi phiên trước có lúc tăng vọt tới hơn 30 USD/ounce. Kéo theo giá vàng trong nước cũng liên tục biến động trồi - sụt gây “sốc” cho thị trường.
Do đó, theo chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, nhà đầu tư tại Việt Nam cần thận trọng quan sát, nên đầu tư đa dạng, không nên “bỏ trứng vào một giỏ”, bởi thị trường vẫn còn nhiều biến động, có thể đổi chiều bất cứ lúc nào hoặc đến ngưỡng nào đó, giới đầu cơ không đẩy giá vàng lên cao nữa thì nhà đầu tư sẽ thua lỗ.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Cấn Văn Lực cho rằng, so với nhiều kênh đầu tư khác, vàng ngày càng kém hấp dẫn bởi biên độ sinh lười không lớn. Nên các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản… đang thu hút dòng tiền nhiều hơn. Thế nên, vàng chỉ nên là một hình thức “tích sản” hơn là kênh đầu tư bởi lợi thế an toàn, không đòi hỏi vốn lớn nhưng vẫn tăng trưởng đều qua các năm, thanh khoản dễ dàng. Hiện trên thế giới, vàng vẫn được nhiều quỹ đầu tư lớn lựa chọn, chiếm 5 - 10% danh mục tài sản của các quỹ này.
Còn theo đại diện Bảo Tín Minh Châu, tại các cơ sở kinh doanh, lượng khách mua vào chiếm tới 55%, nhưng nhà đầu tư và người mua vàng nên cân nhắc trước khi giao dịch, thường xuyên theo dõi diễn biến giá vàng trên các kênh chính thống để có quyết định đúng đắn nhất.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 2/2022 tăng 1,85% so với tháng trước; tăng 2,95% so với tháng 12/2021; tăng 1,53% so với cùng kỳ năm trước và bình quân 2 tháng đầu năm 2022 tăng 0,72%.
Theo số liệu từ Hội đồng Vàng thế giới, các ngân hàng trung ương, các quỹ đầu tư lớn vẫn trong vị thế nắm giữ, số lượng mua vẫn áp đảo số lượng bán.
Theo thống kê, trong 20 năm qua, mức lợi suất trung bình của vàng vào khoảng 12%, đứng top 4 trong các kênh đầu tư sau cổ phiếu của các quốc gia mới nổi, bất động sản Mỹ và chứng khoán Mỹ.