Xung đột và đô thị hóa đang đe dọa an ninh lương thực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), có trụ sở tại Rome (Italy), ngà...

Kinhtedothi - Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), có trụ sở tại Rome (Italy), ngày 24/2, cho biết xung đột, dân số tăng nhanh cũng như tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào lương thực nhập khẩu đang đặt ra những thách thức đối với an ninh lương thực ở khu vực Tây Á và Bắc Phi.

Báo cáo của FAO nêu rõ các quốc gia như Algeria, Jordan và Kuwait đã đạt Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đầu tiên của Liên hợp quốc là giảm một nửa tỷ lệ người chịu cảnh đói kinh niên.

Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh ở Tây Á và Bắc Phi cho thấy số người thiếu ăn vẫn cao, khoảng 43,7 triệu người - tương đương 10% dân số của hai khu vực này; trong khi 24,5% trẻ em dưới 5 tuổi bị còi xương vì suy dinh dưỡng.
Trẻ em Somalia nhận lương thực cứu trợ tại Mogadishu. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trẻ em Somalia nhận lương thực cứu trợ tại Mogadishu. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Suy dinh dưỡng vẫn là vấn đề phổ biến ở những nước phát triển và đang phát triển, gây hậu quả nghiêm trọng liên quan tỷ lệ học sinh đến trường, năng suất lao động và sức khỏe cộng đồng.

Theo đánh giá của FAO, các cuộc xung đột và nội chiến vẫn là nhân tố chính ảnh hưởng đến an ninh lương thực tại Tây Á và Bắc Phi trong vài năm gần đây, đặc biệt tại các điểm nóng như Iraq, Sudan, Syria, Yemen, khu vực bờ Tây và Dải Gaza.

Chỉ tính riêng ở Syria, ước tính có 6,3 triệu người cần được hỗ trợ lương thực và thực phẩm lâu dài.

Trong khi đó, trong số những thách thức mang tính cơ cấu lâu dài hàng đầu đối với an ninh lương thực tại hai khu vực này phải kể đến biến đổi khí hậu và bệnh dịch lây lan từ động vật.

Ngoài ra, việc phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu lương thực để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khiến cả hai khu vực trên cực kỳ dễ bị tác động trước tình trạng gia tăng và biến động giá nông sản trên thị trường quốc tế.

Báo cáo dự báo tình trạng phụ thuộc vào nguồn lương thực bên ngoài tại các khu vực này tiếp tục tăng cao trong vài thập kỷ tới.

Cũng theo báo cáo của FAO, trái với mảng tranh về tình trạng suy dinh dưỡng, gần 1/4 dân số ở hai khu vực nói trên đang bị chứng béo phì.

Tỷ lệ này cao gấp đôi tỷ lệ trung bình của thế giới về người béo phì và gần gấp 3 lần tỷ lệ người béo phì ở các nước phát triển.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần