Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xung quanh vấn đề chuyển nhượng nhà ở xã hội: Tính kỹ vì hiệu quả an sinh xã hội

Lê Mai (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tâm trạng hoang mang về tiền sử dụng đất phải nộp của cư dân nhà ở xã hội khi sang nhượng theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ, Thông tư số 139/2016/TT-BTC ngày 16/9/2016 của Bộ Tài chính trên Kinh tế & Đô thị số 115, ra ngày 22/5, có ý kiến cho rằng chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống, song, có ý kiến lại khẳng định tính đúng đắn của quy định trong vấn đề an sinh xã hội.

Giáo sư Đặng Hùng Võ:
Đừng tạo điều kiện để dân “trốn luật”
Theo quy định, trường hợp bán NƠXH là căn hộ nhà chung cư, người bán phải nộp cho ngân sách 50% tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn hộ đó. Nếu bán NƠXH là nhà ở thấp tầng liền kề phải nộp 100% tiền sử dụng đất. Tôi cho rằng, quy định này chưa phù hợp với thực tế, bởi lẽ, có không ít người đủ điều kiện để được sang nhượng NƠXH nhưng thực chất họ vẫn nằm trong diện được ưu đãi. Trong khi đó, giá NƠXH hầu như vẫn giữ giá nhưng họ lại phải bỏ một khoản tiền để đóng tiền sử dụng đất, thủ tục chuyển nhượng cũng phức tạp, sẽ vô hình dung tạo điều kiện để họ “trốn luật” bằng việc chuyển nhượng dựa trên niềm tin, tự thỏa thuận, giấy tờ viết tay và người mua cầm sổ đỏ. Như vậy, chính sách an sinh xã hội không thực sự đi vào cuộc sống. Mặt khác, quy định người bán phải nộp khoản tiền sử dụng đất này, song, thực tế, sang nhượng do thỏa thuận dân sự nên hầu như người mua phải chịu số tiền này. Ở đây, nếu người mua trong diện được mua NƠXH thì rõ ràng bài toán chính sách cần phải tính toán lại, để làm sao chính sách an sinh xã hội thực sự hiệu quả.

Luật sư Trương Anh Tú:
Thu tiền sử dụng đất là đúng, giúp người nghèo khác hưởng chế độ an sinh
NƠXH là chính sách an sinh xã hội để người nghèo có nhà ở. Vì vậy, quy định thu tiền sử dụng đất khi sang nhượng là cơ chế ràng buộc với đối tượng trong diện ưu tiên. Khi cư dân sang nhượng tức là đã không còn trong diện ưu tiên thì phải nộp lại tiền sử dụng đất, tôi cho là hoàn toàn phù hợp, tránh thất thoát và để nguồn tiền này góp phần tái sinh cho những người nghèo khác được hưởng ưu đãi chính sách của nhà nước. Chỉ có điều cách tính tiền sử dụng đất phải nộp này sao cho phù hợp để cư dân không thấy lo ngại bởi số tiền cao. Thực tế, số người sang nhượng vẫn trong diện được ưu tiên nhưng vì lý do khách quan phải bán không nhiều. Chính sách không thể đáp ứng tất cả những yêu cầu vi mô, ngõ ngách của cuộc sống. Còn nếu người mua trong diện được ưu tiên theo quy định, không muốn mất quyền ưu tiên thì tiến hành nộp hồ sơ  mua nhà tới đơn vị, dự án được chỉ định.

Chủ tịch GP. Invest Nguyễn Quốc Hiệp:
Giá đất ở thời điểm chuyển nhượng sẽ cao hơn nhiều so với ban đầu
Là DN bất động sản thế nhưng tôi chưa từng làm phân khúc nhà ở xã hội nên không thấu hiểu hết nội tại của vấn đề một cách đầy đủ. Tuy nhiên, tôi cho rằng, quy định người sang nhượng NƠXH phải nộp tiền sử dụng đất  là để tránh “chảy máu” chính sách an sinh của Nhà nước. Tôi nghĩ, cư dân NƠXH băn khăn, hoang mang, ấy là chưa rõ cách tính tiền sử dụng đất cụ thể thế nào, số tiền phải nộp lớn bao nhiêu. Theo quy định, giá đất để tính tiền sử dụng đất được xác định theo giá đất ở do UBND cấp tỉnh quy định tại Bảng giá đất nhân với (x) hệ số điều chỉnh giá đất tại thời điểm người mua, thuê mua bán lại nhà ở xã hội. Hệ số phân bổ để xác định tiền sử dụng đất trong trường hợp bán NƠXH là căn hộ chung cư là tỷ lệ giữa diện tích căn hộ bán với tổng diện tích sàn tòa nhà. Như vậy, giá đất căn cứ tính khi chuyển nhượng chắc hẳn sẽ cao hơn nhiều so với cách đây 5 năm.  Điều này khiến cư dân cho rằng, khác nào họ được vay có trả lãi nên thấy bất an, lo lắng về số tiền phải khấu trừ khi bán nhà.  Cùng đó, tâm lý không thoải mái về chính sách an sinh sẽ xuất hiện và lúc này họ sẽ tìm cách lách luật để không phải nộp các loại tiền khi sang nhượng.