Ý thức - chốt chặn quan trọng

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong Công điện vừa ban hành, một lần nữa Chính phủ yêu cầu các địa phương vận động, kêu gọi, kiểm soát người dân ở các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội không được rời địa bàn, tiếp tục ở lại theo tinh thần giãn cách “ai ở đâu ở đấy”. Trước những con số ca bệnh Covid-19 được công bố hàng ngày chưa có dấu hiệu đi xuống, những vất vả hiện hữu ai cũng thấy ở tuyến đầu chống dịch, việc mỗi người dân đồng thuận và chấp hành tốt các biện pháp phòng, chống dịch hiện nay, thậm chí là mạnh hơn nữa trong lúc này là cần thiết.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Trần Thảo
Trước những diễn biến của dịch, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg phải thực hiện nghiêm, nhất quán theo phương châm chỉ có thể thực hiện cao hơn, sớm hơn phù hợp theo tình hình thực tiễn tại địa phương. Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7/2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép)…

Như nhiều ý kiến đã nhận định, biện pháp đúng và trúng ấy là rất cần thiết lúc này, nhưng quan trọng là phải thực hiện nghiêm, mới không làm giảm tác dụng. Và dù Chính phủ, chính quyền các địa phương và ngành chức năng cố gắng, quyết liệt đến đâu, nhưng cuộc chiến chống dịch sẽ không đi đến thành công nếu thiếu sự ủng hộ, tham gia tích cực của toàn dân, hay nói khác đi, ý thức, tinh thần trách nhiệm, sự tự giác của mỗi người dân được coi là yếu tố quan trọng. Bởi “người dân là trung tâm để chính quyền các cấp phục vụ nhưng cũng là chủ thể tham gia chống dịch. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân” như Thủ tướng Chính phủ đã nói.

Nên trọng tâm lúc này là mỗi người phải thực hiện thật nghiêm nguyên tắc giãn cách xã hội ở mọi nơi, mọi lúc; tạo điều kiện để khoanh vùng, bóc tách hết mầm bệnh còn tiềm ẩn ra khỏi cộng đồng. Hơn lúc nào hết, ý thức, trách nhiệm vì cộng đồng của mỗi người dân phải được đặt lên mức cao nhất trong việc chấp hành các quy định về dịch tễ và ủng hộ các chủ trương phòng dịch ở mức cao hơn.

Thực tế những ngày qua tại Hà Nội cũng như một số địa phương cho thấy, về cơ bản người dân đã chấp hành tốt, tuân thủ nghiêm các quy định về phòng dịch, giãn cách xã hội, thậm chí là đồng hành, trở thành những tuyên truyền viên tích cực để lan tỏa ý thức trách nhiệm. Nhưng bên cạnh đó, như số liệu thống kê được đưa ra hàng ngày cho thấy, mỗi ngày vẫn có không ít trường hợp bị xử phạt vì vi phạm quy định phòng dịch, từ không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, cơ sở kinh doanh không chấp hành quy định tạm dừng…, đến tập trung đông người nơi công cộng, ra khỏi nhà khi không cần thiết thiết… Hơn thế nữa, nhiều người còn tỏ ra chống đối, lăng mạ, tấn công những người thực thi công vụ khi bị nhắc nhở, tạo ra những mảng màu không đẹp, làm ảnh hưởng đến nỗ lực chung của cả xã hội.

Mỗi vi phạm lại được kèm theo những lý do cá nhân, nhưng trên hết, chính sự chủ quan, lơ là, thiếu ý thức ấy đang là “mối nguy lớn” trong bối cảnh hiện nay. Những thành quả từ sự nỗ lực của cả xã hội hoàn toàn có thể bị “đổ xuống sông, xuống biển”, dịch tiếp tục bùng phát nếu như vẫn còn những trường hợp thiếu ý thức, thiếu tự giác, phản ứng bất hợp tác, không chấp hành nghiêm các quy định. Hơn lúc nào hết, trong khó khăn rất cần sự đồng lòng. Bởi thế tinh thần nâng cao cảnh giác, nhắc nhở lẫn nhau thực hiện tốt các quy định, phòng hộ cá nhân và phòng hộ cho cả những người xung quanh mình là rất cần thiết vào lúc này. Từng người, từng nhà, từng khu phố… thực sự là những pháo đài phòng, chống dịch, sẽ là những “chốt chặn” quan trọng nhất để cùng với lực lượng tuyến đầu nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh như chúng ta đã từng làm được.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần