Ý thức vẫn là quyết định đến hiệu quả tổ chức lại giao thông

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều ngày điều chỉnh tổ chức giao thông, các tuyến đường: Nguyễn Trãi - Ngã Tư Sở, Tố Hữu, Nguyễn Thị Thập, Trần Duy Hưng… đã hạn chế đáng kể ùn tắc giao thông (UTGT).

Tuy nhiên, bất cập lớn nhất tại các khu vực nêu trên cũng bộc lộ rõ, đó là tình trạng rất nhiều người thiếu ý thức khi tham gia giao thông, gây mất trật tự, an toàn giao thông (ATGT) nghiêm trọng.

Nút giao thông Trần Duy Hưng - Nguyễn Chánh. Ảnh: Công Hùng  
Nút giao thông Trần Duy Hưng - Nguyễn Chánh. Ảnh: Công Hùng  

Nửa đáng mừng…

Từ ngày 22/7, các phương án thí điểm tổ chức lại giao thông tại Ngã Tư Sở, nút giao Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh, Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám, đường Nguyễn Thị Thập tiếp tục được Sở GTVT Hà Nội gia hạn đến ngày 22/10. Bên cạnh đó, từ ngày 5/8, đường Nguyễn Trãi, đoạn từ Kim Giang - Khuất Duy Tiến cũng được thí điểm tách riêng làn giữa ô tô - xe máy, xe buýt, xe thô sơ bằng dải phân cách cứng.

Ghi nhận trong những ngày qua cho thấy, hiện tượng UTGT tại Ngã Tư Sở đã giảm hẳn, kể cả trong điều kiện mưa lớn cũng không xảy ra ùn tắc kéo dài như trước. Đường Tố Hữu lưu thông dễ dàng hơn, điểm “đen” UTGT tại nút giao với đường Vũ Trọng Khánh đã gần như được xóa sổ. Tương tự nút giao Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám, đường Nguyễn Thị Thập cũng đã hạn chế tối đa UTGT.

Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung chia sẻ: “Là một người dân sinh sống tại quận Thanh Xuân, hàng ngày đi lại trên đường Nguyễn Trãi, tôi thấy rất mừng vì giao thông đã được cải thiện nhiều, UTGT tại Ngã Tư Sở không còn trầm trọng như trước nữa”. Ông Vũ Hoàng Chung phân tích, đối với việc lắp đặt dải phân cách cứng tách làn trên đường Nguyễn Trãi, sau 2, 3 ngày đầu tiên có nhiều ý kiến trái chiều, hiện nay thói quen đi đúng làn đã bắt đầu có dấu hiệu hình thành, về lâu dài là khả thi.

Đại diện Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho hay, sau khi tách làn riêng, xe buýt lưu thông trên đường Nguyễn Trãi đã thuận lợi hơn rất nhiều so với trước kia. “Giá như tuyến đường lớn nào cũng có thể tổ chức giao thông như thế này thì xe buýt sẽ nhanh chóng khẳng định được vị thế ưu việt của mình” - vị đại diện Transerco nói.

Anh Bạch Thái Thịnh (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) cho biết: “Trước đây, giờ cao điểm mà muốn đi đoạn Lương Thế Vinh - Tố Hữu đến Vạn Phúc thôi cũng phải mất tầm 25 – 30 phút, mưa to thì có khi cả tiếng đồng hồ. Sau khi tổ chức lại nút giao Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh, tôi đi cùng cung đường đó, giờ đó chỉ mất tối đa 15 phút nếu mưa to”.

Lực lượng CSGT phụ trách phân làn, điều tiết trên đường Nguyễn Trãi, Tố Hữu, Trần Duy Hưng cũng cho biết, tình trạng UTGT đã giảm rõ rệt. Đáng mừng hơn nữa là giao thông khu vực xung quanh các điểm “đen”: Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh, Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám, Ngã Tư Sở… cũng trở nên thông thoáng hơn.

Có thể thấy tác dụng tích cực của việc tổ chức lại giao thông trên một số tuyến đường, nút giao trọng yếu khu vực cửa ngõ Tây và Tây Nam TP bước đầu đã thành công, rất đáng ghi nhận và có thể áp dụng rộng rãi hơn nữa.

Phương án thí điểm tổ chức giao thông theo hướng tách dòng phương tiện ô tô, xe máy đi theo làn riêng trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Khánh Trọng.
Phương án thí điểm tổ chức giao thông theo hướng tách dòng phương tiện ô tô, xe máy đi theo làn riêng trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Khánh Trọng.

Nửa lại đáng lo

Ngoài những tín hiệu rất tích cực từ việc tổ chức lại giao thông, tại các tuyến đường, nút giao nêu trên còn có một hiện trạng rất đáng buồn là ý thức của bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông quá kém, đặc biệt những người điều khiển xe máy.

Tràn ngập trên tất cả các tuyến đường được điều chỉnh thời gian qua là hiện tượng xe máy đi lấn làn, vượt đèn đỏ, ngược chiều, chèn ép xe buýt… Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nhận định: “Dường như một bộ phận không nhỏ người đi xe máy cho rằng việc chấp hành luật giao thông là quá khó khăn, hay chỉ cần thiết đối với xe ô tô, xe buýt. Bản thân họ không chỉ gây rối loạn giao thông mà còn gây nguy hiểm cho chính bản thân mình”.

Trên đường Nguyễn Trãi, sau khi phân làn cứng, hiện tượng xe ô tô đi sai làn, lấn làn rất thấp, tập trung chủ yếu vào nhóm xe taxi, xe hợp đồng. Trong khi đó xe máy lấn làn của ô tô lại thành hàng dài, dàn trải khắp mặt đường khiến giao thông khá rối rắm. Tỷ lệ xe máy đi đúng làn và sai làn tương đương nhau, thậm chí giờ cao điểm lượng xe chen chúc trong làn ô tô còn cao hơn hẳn.

Tại các nút giao: Ngã Tư Sở, Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh, Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám, xe máy đi ngược chiều, cắt qua nút giao; rẽ nơi cấm rẽ, vượt đèn đỏ… nhiều không đếm xuể. Vi phạm diễn ra từ sáng sớm đến đêm khuya, bất chấp mọi nỗ lực điều tiết của lực lượng chức năng cũng như luật lệ giao thông.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, khi thí điểm tổ chức giao thông cũng đồng thời nên siết chặt kiểm soát hành vi của người điều khiển phương tiện. Nếu không sẽ không thể nhận định được chính xác, khách quan tác dụng của việc điều chỉnh tổ chức giao thông. Có một thực tế là không ít trong số những người lên mạng xã hội phản đối việc tổ chức giao thông vừa qua lại có ý thức chưa cao, hay vi phạm giao thông nhất.

Nhiều chuyên gia còn cho rằng, một loạt điều chỉnh tổ chức giao thông vừa qua đã đạt hiệu quả rất khả quan, nhưng cũng bộc lộ rõ nhược điểm lớn nhất của giao thông đô thị Hà Nội, đó là sự tùy tiện, thiếu ý thức của không ít người dân. Mọi phương án tổ chức giao thông sẽ chẳng có ý nghĩa gì, chẳng đạt hiệu quả nào hết nếu người dân không tuân thủ, không có thói quen đi lại văn minh, đúng luật.

Để duy trì trật tự, ATGT nói chung, phát huy hiệu quả đồng thời đánh giá chính xác phương án tổ chức lại giao thông trên các tuyến đường: Nguyễn Trãi - Ngã Tư Sở, Tố Hữu, Nguyễn Thị Thập, Trần Duy Hưng, cơ quan chức năng cần có biện pháp xử phạt nghiêm người vi phạm. Nếu chỉ nhắc nhở, tuyên truyền mà không xử phạt sẽ chỉ khiến nhiều người thêm nhờn luật, UTGT mãi không thể khắc phục bất chấp chính quyền có giải pháp gì.

 

Nội dung ở Việc phân làn cứng là biện pháp cưỡng chế người dân đi đúng làn, đúng phần đường, nhằm tạo nền nếp giao thông văn minh, chuẩn chỉ. Người dân có quyền góp ý, nhưng trước hết hãy chấp hành đúng quy định, đi đúng phương án được tổ chức để tự mình xem có lợi hay không rồi hẵng đưa ra phản biện mới khách quan.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng