KTĐT - Nhà có bếp ga, nhưng bà Ân vẫn lạch cạch cái bếp than tổ ong. Ngày nào cũng vậy, cứ khoảng giữa chiều là hàng xóm lại thấy bà nghiêng người xách cái bếp ra cuối dãy phố, nơi vẫn còn một khoảng đất lưu không khá rộng, rồi bài nổi lửa nhóm than, chuẩn bị đón bữa cơm chiều, có khi còn đun hộ cả bà hàng xóm ấm nước, ninh hộ nồi chè đỗ đen hay tý cháo cho đứa cháu.
Nhiều người thấy bà cứ hì hục xách cái bếp thì bảo sao bà vất vả thế. Bà Ân cứ phân trần: “Vợ chồng các cháu nhà tôi cứ “phàn nàn”, chúng nó không muốn tôi kỳ cạch bếp than thế này, sợ tôi vất vả. Nhưng tôi cứ nghĩ, vợ chồng nó còn bao việc phải lo, tôi tiết kiệm cho chúng nó được tí nào hay tí ấy. Mình già rồi, chỉ biết đỡ con bằng cách này thôi…”. “Thế sao bà không để cái bếp trước cửa mà nhóm, cứ phải xách ra tít đằng kia cho nặng?”, mấy bà hàng xóm thắc mắc. “Ây! Để ngay trước cửa mà nhóm bếp thì cả dãy phố chúng ta phải chịu khói từ bếp nhà tôi mất. Tôi mang ra chỗ đất trống ấy nhóm vừa thoáng, lại vừa sạch, khói bụi không “vướng” vào lũ trẻ con. Giờ chiều ấy là chúng nó chơi ở cửa nhà nhiều lắm! Cũng chẳng mất mấy công đâu!”
À, đấy là cái ý tứ tế nhị của bà Ân. Thảo nào, mấy năm rồi mà cả dãy nhà phố này chẳng ai cảm thấy vướng víu hay bận lòng vì khói, bụi từ cái bếp than của bà. Lần nào nhóm bếp xong, bà cũng mang chổi ra quét dọn sạch sẽ khu đất trống ấy trước khi mang bếp về nhà. Hàng xóm quý cái ý thức nhìn mọi người để sống của bà nên lắm lúc còn chạy ra xách đỡ bà cái bếp mỗi khi thấy bà nặng nhọc quá. Việc nấu bếp than tổ ong giữa Hà Thành đông đúc, hiện đại bây giờ vẫn là chuyện phổ biến. Rồi cũng từ cái bếp than ấy, nhiều người có nhắc đến chuyện ô nhiễm môi trường từ than tổ ong, nhưng điều ấy sẽ được hạn chế nhiều nếu người sử dụng nào cũng có ý thức với nó như bà Ân. Cái bếp than dân dã của bà bỗng trở thành một nét đẹp giữa đời thường, vì trong ấy có tấm lòng của một người hàng xóm nhân hậu và có tấm lòng chân thành của một người mẹ thương con.