Dự án với thời gian thực hiện dự kiến khoảng 10 năm. Sau đó, mặt bằng đất khu vực này có thể làm sân golf, công viên hoặc khu công nghiệp.
Đây thực sự là tin vui của không ít người dân trong khu vực, là cơ sở hiện thực hóa ý tưởng của Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh, biến bãi rác Nam Sơn thành công viên, là điểm du lịch, không gian vui chơi cho cộng đồng.
Giải pháp cho môi trường Hà Nội...
Theo thống kê, ước tính lượng rác thải sinh hoạt của riêng TP Hà Nội hiện nay khoảng 7.000 - 8.000 tấn/ngày. Trước đây, hầu hết trong số đó được xử lý thông qua chôn lấp. Nhưng ngay cả khi các bãi chôn lấp rác của TP như Nam Sơn (Sóc Sơn) hay Xuân Sơn (Sơn Tây) đều đã quá tải thì việc Nhà máy điện rác Sóc Sơn do Công ty Thiên Ý triển khai cũng trở thành “cứu cánh” hiệu quả cho môi trường Hà Nội trong việc xử lý rác.
Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn là dự án có quy mô lớn thứ hai trên thế giới được khởi công xây dựng vào tháng 8/2019 và đã được Bộ TN&MT nghiệm thu. Hiện dự án đã vận hành ổn định, công suất tiếp nhận và xử lý 4.500 - 5.000 tấn/ngày, công suất phát điện 90MW. Sau khi nhà máy đi vào vận hành đã giúp Hà Nội xử lý được khoảng 60% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH).
Với mong muốn tiếp tục góp phần cải tạo chất lượng môi trường Thủ đô, Công ty Thiên Ý đã có công văn số 120A/HNTY gửi TP Hà Nội xin điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư mở rộng, bổ sung thêm 2 lò đốt 800 tấn/lò/ngày (1.600 tấn/ngày) nhằm chủ yếu xử lý bãi rác chôn lấp Nam Sơn, với thời gian thực hiện dự kiến khoảng 10 năm.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thiên Ý Nguyễn Thị Hồng Vân cho rằng, nếu Nhà máy điện rác Sóc Sơn được điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư mở rộng thêm 1 lò đốt 800 tấn/ngày, thì mỗi ngày có thể xử lý 2.500 tấn rác đã chôn lấp (tỷ lệ rác cháy được chiếm khoảng 35%); nếu mở rộng thêm 2 lò đốt 800 tấn/lò/ngày (1.600 tấn/ngày), thì mỗi ngày có thể xử lý 5.000 tấn rác đã chôn lấp.
Nhà máy điện rác Sóc Sơn không cần bổ sung thêm đất, không cần mở rộng trạm xử lý nước rỉ rác, đường điện, đường nước, văn phòng… do đó chi phí đốt rác đã chôn lấp chỉ khoảng 18 USD/tấn. Ngoài ra, còn giảm được chi phí vận chuyển rác đã chôn lấp đến nhà máy xử lý khác (khoảng 10 - 15 USD/tấn), không cần thực hiện thủ tục xây dựng dự án và mời thầu, hoàn toàn có thể vận hành trước thời điểm bãi chôn lấp đóng toàn bộ (dự kiến năm 2028).
… nhưng đề xuất xử lý rác chôn lấp cần thận trọng
Theo PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển Cộng đồng, việc cải tạo bãi rác thành công viên là một việc làm đạt được nhiều mục tiêu, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, vừa mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng. Bà Bùi Thị An cho rằng, ý tưởng, chủ trương biến bãi rác thành công viên của lãnh đạo TP Hà Nội rất thiết thực, có lợi cho người dân.
Tuy nhiên, trao đổi về đề xuất của Công ty Thiên Ý là lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây lên xử lý bằng công nghệ đốt, PGS.TS Bùi Thị An lại mong muốn lãnh đạo Hà Nội cần phải thận trọng, dù công nghệ đốt hiện vẫn được đánh giá là có tính ưu việt nổi trội trong công tác bảo vệ môi trường.
Bởi theo bà, cái gì cũng có tính hai mặt, bãi rác Nam Sơn chủ yếu là rác hữu cơ; còn rác công nghiệp hay độc hại cũng có nhưng ít thôi. Trong khi đó giai đoạn đầu thực hiện chôn lấp rác là những năm 2000, tính đến bây giờ đã hơn 20 năm, rác cũng đã phân hủy thành mùn gần hết rồi.
Vậy phần chôn lấp này có nên móc lên để xử lý không? “Tiếp nữa, khối lượng rác đã chôn lấp ở bãi Nam Sơn khoảng 25 triệu m3, rõ ràng kinh phí cho xử lý không phải nhỏ, dù đơn giá mà Công ty Thiên ý đưa ra so với mặt bằng các nước khác là thấp, chỉ với 18 USD/ tấn.
Trong khi đó, vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt của toàn TP hiện vẫn nan giải, chưa xử lý hết được, vẫn cần rất nhiều kinh phí cho công việc này. Vì vậy, TP Hà Nội cần thực hiện khảo sát, nghiên cứu với sự tham gia của các nhà khoa học để có quyết sách hiệu quả” - PGS.TS Bùi Thị An phân tích.
Đồng quan điểm trên, trao đổi với Kinh tế & Đô thị dưới góc nhìn người nghiên cứu khoa học về môi trường, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam - Trưởng Ban khoa học, cho rằng, cần làm rõ hơn về các phương án kỹ thuật “khai thác” rác trong các bãi rác chôn lấp đã nhiều năm và đánh giá xem những tác động có thể xảy ra đối với môi trường, xã hội.
Bãi rác đã “đóng” lại, đã phủ bằng vật liệu rồi thì tác động môi trường chủ yếu là nước rò rỉ nên có thể xử lý như đã xử lý lâu nay. Nếu bãi rác chưa được “phủ kín” bằng đất hay vật liệu khác thì có thể tiến hành phủ lại.
Đây có thể được coi là phương án thay thế cho dự án khai thác làm chất đốt của Công ty Thiên Ý. Rác đã được phủ sẽ bị phân hủy, lâu rồi sẽ thành “đất”, có thể trồng rừng (hoặc tự thành rừng) và sau đó có thể sử dụng vào mục đích khác (như Công viên Thống Nhất trước đây cũng nằm trên bãi rác hay bãi rác Mễ Trì đã được phủ kín cây cối). Vì vậy phải so sánh, tính toán hiệu quả kinh tế - môi trường theo đề xuất của Công ty Thiên Ý với việc để bãi rác “yên vị” như hiện nay.
“Theo tôi, dự án xử lý bãi rác chôn lấp bằng công nghệ đốt mà Công ty Thiên Ý đề xuất vẫn có khả năng xảy ra những sự cố, tác động cần được xem xét kỹ. Việc đào bãi rác có thể giải phóng lượng chất thải lớn, trong đó cả khí nhà kính và rất có thể cả bụi, mùi cùng chất thải khác.
Khi đốt rác nếu không có biện pháp hợp lý có thể phát sinh chất ô nhiễm không khí như bụi, mùi và có thể cả hai chất độc là furan và dioxin nếu không được kiểm soát. Mặc dù đã có công nghệ kiểm soát quá trình đốt theo tiêu chuẩn để không phát sinh nhiều furan và dioxin nhưng công nghệ là công nghệ, còn người vận hành công nghệ ấy có thực hiện nghiêm hay không mới là vấn đề.
Do đó vận hành công nghệ đốt, các cơ quan bảo vệ môi trường Hà Nội vẫn cần phải kiểm tra, kiểm soát liên tục ở cả buồng đốt và các khâu để bảo đảm an toàn. Còn về đề xuất của Công ty Thiên Ý, cần thêm thông tin mới có cơ sở kết luận rõ ràng về nên hay không nên chấp nhận. UBND TP Hà Nội nên giao cho các nhà khoa học làm rõ thêm để có kết luận cuối cùng” - GS.TS Hoàng Xuân Cơ nhìn nhận.
Theo lộ trình cải tạo bãi rác chôn lấp ở Nam Sơn, Sóc Sơn mà Công ty Thiên Ý đưa ra là: tiền xử lý trước khi đào (khử mùi, chống mưa hắt ...) + đào, vận chuyển + sàng (bao gồm nghiền, sàng, sàng gió, nhà xưởng) + vận chuyển cự ly ngắn (bao gồm máy đào, xe vận chuyển, xe lu...) + đốt + phủ đất trồng trọt (bao gồm xanh hóa đơn giản). Theo đó, nếu được vận hành với 2 lò đốt, tổng công suất 1.600 tấn/ngày, đêm thì khoảng 10 năm xử lý xong, với giá 18 USD/tấn.
Biến bãi rác thành công viên đã thực hiện rất thành công tại bãi rác - Công viên Sodokwon tại Hàn Quốc. Đây là bãi chôn lấp rác lớn nhất tại Hàn Quốc khởi công xây dựng từ năm 1989 và hoàn thành vào năm 1992, nơi đây thu nhận mỗi ngày hơn 20.000 tấn rác từ Thủ đô Seoul, TP Incheon và các tỉnh lân cận.
Ở đây có quy trình xử lý rác khép kín, liên hoàn từ loại bỏ nước ngầm, thu gom khí CH4 để phát điện. Nhờ xử lý tốt, quy hoạch bài bản, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng công viên chủ đề “Dream Park” ngay tại bãi rác rộng lớn đem lại không gian vui chơi cho cộng đồng, không hề phát sinh mùi rác.