70 năm giải phóng Thủ đô

Yêu cầu cao hơn với hiệu trưởng trường phổ thông

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT vừa công bố xin ý kiến góp ý rộng rãi dự thảo quy định Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông. Theo PGS.TS Nguyễn Thành Vinh – Trưởng khoa Quản lý giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) – so với chuẩn cũ, quy định mới trong dự thảo đặt ra những yêu cầu cao hơn và rõ ràng hơn.

Yêu cầu cao năng lực quản trị
PGS.TS Nguyễn Thành Vinh cho biết, việc chỉnh sửa, bổ sung Thông tư 29/2009/TT-BGDĐT quy định chuẩn hiệu trưởng trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học là vấn đề đặt ra hiện nay để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu đổi mới giáo dục. Dự thảo Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông vừa công bố không phải hoàn toàn mới mà là chỉnh sửa Thông tư 29/2009/TT-BGDĐT cho phù hợp hơn.
Quá trình xây dựng, Ban soạn thảo đã nghiên cứu chuẩn hiệu trưởng nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Hoa Kỳ, Anh, Newzeland, Singapore… cũng như thực tiễn tại Việt Nam. “Những nét chính mà mọi chuẩn hiệu trưởng của các nước trên thế giới đề cập đến là đạo đức, năng lực cá nhân, năng lực quản lý, sự hiểu biết về chuyên môn, quan hệ với công chúng, xã hội… Chuẩn hiệu trưởng mới được xây dựng cũng dựa trên những nét cơ bản đó và thực tiễn Việt Nam” - PGS.TS Nguyễn Thành Vinh cho hay.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Trưởng khoa Quản lý giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) đưa ví dụ: Nội dung đạo đức được cụ thể hóa là phẩm chất đạo đức, chính trị. Một số nước không yêu cầu ngoại ngữ vì họ là nước nói tiếng Anh, nhưng chuẩn của Việt Nam đưa yêu cầu cụ thể về ngoại ngữ. Không những thế, yêu cầu này rất mở. Theo đó, vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn sẽ yêu cầu hiệu trưởng phải có khả năng về tiếng dân tộc chứ không bắt buộc là tiếng Anh.
Chia sẻ về những điều đáng chú ý trong dự thảo Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông, PGS.TS Nguyễn Thành Vinh cho biết: Chuẩn lần này nhấn mạnh và yêu cầu cao với các hiệu trưởng về quản trị trường học, khả năng lập kế hoạch chiến lược, kế hoạch hành động, khả năng quản trị nhân lực trong nhà trường, khả năng quản trị tài chính…
Một nội dung khác cũng rất quan trọng với hiệu trưởng ở đây là giá trị bản thân. Người hiệu trưởng phải xây dựng được giá trị bản thân mình, để dẫn dắt nhà trường thay đổi đáp ứng yêu cầu mới. Cùng với đó là trách nhiệm giải trình, “Hiệu trưởng phải có trách nhiệm giải trình về các hoạt động của nhà trường cho nhà nước, nhân dân, học sinh, phụ huynh… Trước đây, vấn đề giải trình không đặt ra nhiều, nhưng chuẩn mới yêu cầu rất cao điều này, không chung chung như trước” - PGS.TS Nguyễn Thành Vinh nhấn mạnh.
Quan trọng cách sử dụng chuẩn
Dự thảo đưa ra 5 tiêu chuẩn (với 21 tiêu chí) gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học; Năng lực quản trị nhà trường; Năng lực xây dựng môi trường giáo dục dân chủ Năng lực phát triển quan hệ xã hội.
Đánh giá, xếp loại hiệu trưởng trường phổ thông theo Chuẩn được thực hiện thông qua việc đánh giá từng tiêu chí và xem xét các minh chứng liên quan. Mỗi tiêu chí được đánh giá thành 3 mức phát triển năng lực như sau: Đạt: Hiểu khái niệm, nguyên tắc; thực hiện nhiệm vụ theo quy định một cách độc lập song chưa có nhiều kinh nghiệm; Khá: Đạt các yêu cầu của mức 1; tổ chức thực hiện công việc hiệu quả, thành thạo; có thể hướng dẫn đồng nghiệp; có nhiều kinh nghiệm; Tốt: Đạt các yêu cầu của mức 2; vượt qua khó khăn để vươn lên; đổi mới, sáng tạo; thường xuyên đánh giá để điều chỉnh các hoạt động của nhà trường phù hợp với thực tiễn.
Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông nhằm phát triển phẩm chất, năng lực quản trị trường học của hiệu trưởng trường phổ thông, làm căn cứ để hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông tự đánh giá, tự phấn đấu, học tập nâng cao phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông; Các cơ quan quản lý giáo dục đánh giá, sử dụng kết quả đánh giá nhằm xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách phát triển đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông; Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu học tập của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông và các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục. “Cơ chế giám sát, quản lý sử dụng chuẩn vô cùng quan trọng. Mục đích của Chuẩn hiệu trưởng không phải chỉ ở đánh giá, xếp loại, mà quan trọng là hướng cho họ đạt chuẩn, phấn đấu để tự đạt chuẩn. Tôi cho rằng, điều mang tính căn cơ, lâu dài là đào tạo ra những người hiệu trưởng đạt chuẩn chuyên nghiệp và Học viện Quản lý giáo dục có trách nhiệm tư vấn, giúp Bộ GĐ&ĐT điều này”- PGS.TS Nguyễn Thành Vinh cho hay.