Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Yêu cầu dọn mặt bằng để giao đất cho dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khu Lải Cát vẫn chỉ là bãi đất hoang. Ảnh: Hải Phong

Báo Kinh tế & Đô thị số 38, ra ngày 29/2/2012 có bài: "Cưỡng chế nếu chủ lò không tháo dỡ". Theo đó, năm 2005, ông Nguyễn Văn Sinh thuê 57.914m2 đất nông nghiệp khu Lải Cát của 67 hộ dân cụm 5, thôn Phú Thịnh, xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, ông Sinh đã không sử dụng đúng mục đích còn lấn chiếm rồi cho thuê lại để… sản xuất gạch.

 
Khu Lải Cát vẫn chỉ là bãi đất hoang. Ảnh: Hải Phong
Kinhtedothi - Khu Lải Cát vẫn chỉ là bãi đất hoang. Ảnh: Hải Phong
Chưa giải tỏa xong vỏ lò...

Trước những vi phạm về cam kết trong hợp đồng và lấn chiếm đất đai suốt thời gian dài của ông Sinh cùng các chủ lò gạch, ngày 21/9/2011, UBND huyện Phúc Thọ có Quyết định số 2960/QĐ-UBND, đình chỉ hoạt động sản xuất gạch, đồng thời tuyên truyền, vận động tháo dỡ công trình hoàn trả mặt bằng cho người dân, song chủ lò không thực hiện. Cực chẳng đã, cuối năm 2011, hàng trăm người dân cụm 5 tổ chức "phong tỏa" lối ra vào khu lò gạch Lải Cát và yêu cầu chủ lò dừng việc đốt gạch. Đầu năm 2012, mâu thuẫn đã lên tới đỉnh điểm khiến tình hình an ninh trật tự ở địa phương ngày càng phức tạp. Sau nhiều lần UBND huyện  Phúc Thọ chỉ đạo giải quyết vụ việc, đến giữa năm 2012, chủ lò mới dừng đốt gạch và đến tháng 1/2014 tháo dỡ xong vỏ lò cùng nhà xưởng. Điều đáng nói, tuy lò gạch không "đỏ lửa" nhưng mặt bằng vẫn chưa được bàn giao để người dân canh tác.Theo điều tra của chúng tôi, tại khu vực này hiện vẫn còn tồn tại hàng ngàn mét vuông gạch vỡ, móng nhà, xưởng. Ngoài ra, nhiều thùng vũng sâu 7 - 8m và nhiều đồi đất cao chưa được san gạt. Bức xúc trước sự thiếu quyết liệt trong việc xử lý của chính quyền huyện Phúc Thọ, ông Đỗ Văn Vân, cụm 5, thôn Phú Thịnh cho rằng: "Mặc dù cuối năm 2013, UBND huyện đã hỗ trợ kinh phí cho chủ lò và UBND xã để thu dọn mặt bằng, bàn giao đất cho người dân, nhưng đến nay khu Lải Cát vẫn chỉ là bãi đất hoang không thể canh tác. Nếu vụ việc tiếp tục chậm được giải quyết, sẽ gây lãng phí tài nguyên đất".

Tháng 7/2014, thu dọn xong mặt bằng

Ông Nguyễn Trung Tình - Chủ tịch UBND xã Ngọc Tảo cho biết, do đường vào khu Lải Cát hẹp, khó khăn cho việc đi lại nên muốn vận chuyển vật liệu ra bên ngoài không thể thực hiện vội vàng. Mặt khác, cần phải tính toán bố trí quỹ đất phù hợp để san lấp thùng vũng mới canh tác được. Ông Tình khẳng định: "Năm 2013, UBND xã đã dồn điền đổi thửa được hơn 300ha đất nông nghiệp. Hiện, cả xã chỉ còn khu Lải Cát chưa dồn được do vướng vật liệu phế thải tồn của chủ lò gạch. Vừa qua, UBND xã, ông Sinh, chủ lò đã thống nhất tháng 4 tới sẽ tiến hành di chuyển toàn bộ số gạch vỡ, đất, đá ra khỏi khu Lải Cát và tìm quỹ đất phù hợp để tạo mặt bằng như hiện trạng ban đầu. Theo kế hoạch, tháng 7/2014 sẽ hoàn thành mặt bằng và giao được đất cho 67 hộ dân. Sau khi giao đất, nếu sản xuất không hiệu quả, trường hợp các hộ xin chuyển mục đích sử dụng đất cấy lúa sang làm mô hình trang trại, UBND xã sẽ báo cáo, đề xuất với UBND huyện xem xét phê duyệt".

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Việt Liên cho biết: Nhằm sớm giải quyết dứt điểm vụ việc để bàn giao đất cho người dân sản xuất, cuối năm 2013, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã  cùng các phòng chức năng và chủ lò tháo dỡ toàn bộ vỏ lò, nhà xưởng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn gạch vỡ, đất, đá tại khu Lải Cát nên chưa thể giao ruộng cho người dân. Theo kế hoạch việc việc tháo dỡ công trình xong trong tháng 1/2014, nhưng vì nhiều lý do khách quan nên chưa thực hiện được. Do vậy, UBND huyện tiếp tục giao UBND xã và yêu cầu ông Sinh phải thực hiện thu dọn mặt bằng xong trong tháng 7/2014, nếu không thực hiện được sẽ kỷ luật cán bộ.

Để giải quyết dứt điểm vụ việc theo đúng kế hoạch, UBND huyện Phúc Thọ cần thường xuyên giám sát việc thực hiện của UBND xã Ngọc Tảo.