Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng Nai:

Yêu cầu tạm ngưng chăn nuôi trên 300 trang trại của 4 công ty FDI

Thanh Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/9, Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai đã ban hành các văn bản yêu cầu 4 công ty có vốn đầu tư FDI tạm ngưng hoạt động chăn nuôi gia công trên địa bàn tỉnh. 4 công ty này có hơn 300 trang trại chăn nuôi gia công chưa hoàn thành thủ tục về môi trường.

Trang trại của một công ty FDI đầu tư tại địa bàn huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) bị ô nhiễm môi trường, trang trại này từng bị phạt hàng trăm triệu đồng.
Trang trại của một công ty FDI đầu tư tại địa bàn huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) bị ô nhiễm môi trường, trang trại này từng bị phạt hàng trăm triệu đồng.

Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh (TN&MT) Đồng Nai yêu cầu các công ty: Công ty TNHH CJ Vina Argi (chi nhánh Đồng Nai), Công ty cổ phần C.P. Việt Nam, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam và Công ty TNHH Sunjin Vina tạm ngưng hoạt động chăn nuôi gia công tại trên 300 trang trại chăn nuôi chưa có thủ tục về môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Cống thải ra môi trường của một công ty chăn nuôi tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai).
Cống thải ra môi trường của một công ty chăn nuôi tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai).

Trong đó, Công ty TNHH CJ Vina Argi (chi nhánh Đồng Nai) có hợp đồng nuôi gia công nhiều nhất với 250 cơ sở tại địa bàn các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Long Thành và TP Long Khánh, nhưng chưa được cấp thủ tục về môi trường.

Tại các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất, Trảng Bom, Long Thành có 19 cơ sở có hợp đồng nuôi gia công cho Công ty TNHH Sunjin Vina nhưng chưa được cấp thủ tục về môi trường. Tại các huyện Tân Phú, Long Thành, Trảng Bom, Thống Nhất có 13 cơ sở có hợp đồng nuôi gia công cho Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam nhưng chưa được cấp thủ tục môi trường.

Có 46 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Tân Phú, Thống Nhất, Nhơn Trạch, Long Thành và TP Long Khánh có hợp đồng nuôi gia công cho Công ty Cổ phần C.P. Việt Nam nhưng chưa được cấp thủ tục môi trường.

Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai yêu cầu các 4 doanh nghiệp trên tạm ngưng hoạt động chăn nuôi gia công tại những cơ sở trên. Việc thả đàn tiếp tục chăn nuôi gia công chỉ được tiếp tục sau khi các chủ cơ sở, hộ gia đình bổ sung thực hiện thủ tục môi trường và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường, xác nhận đăng ký môi trường.

Hồ chứa nước thải của một trang trại chăn nuôi heo do Công ty FĐI đầu tư tại tỉnh Đồng Nai.
Hồ chứa nước thải của một trang trại chăn nuôi heo do Công ty FĐI đầu tư tại tỉnh Đồng Nai.

Như báo Kinh tế và Đô thị phản ánh, từ nhiều năm nay, xuất phát từ nhu cầu “kích cầu” phát triển kinh tế vùng chăn nuôi, tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận cho các tập đoàn, công ty chăn nuôi lớn về đầu tư.

Đồng Nai hiện là địa phương có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn với hơn 2,4 triệu con heo và gần 24 triệu con gà, gần 10.000 cơ sở chăn nuôi. Thế nhưng, thời gian qua các trang trại chăn nuôi ngày càng gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường.

Để đảm bảo phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nhưng vẫn đảm bảo môi trường, Sở TN&MT Đồng Nai đề nghị UBND các huyện và TP Long Khánh khẩn trương kiểm tra, có giải pháp xử lý vi phạm môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi gia công cho các công ty FDI nói trên.