Wednesday, 09:36 24/02/2016
Yêu cầu tuyển dụng ngày càng cao
Kinhtedothi - Sáng 23/2, tại phiên giao dịch việc làm đầu Xuân Bính Thân, trả lời phỏng vấn báo Kinh tế & Đô thị, bà Vũ Thị Thanh Liễu – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, năm nay, những ngành kinh tế, thương mại thu hút nguồn nhân lực nhiều nhất.
Bà có thể cho biết cụ thể về các đơn vị tuyển dụng cũng như ứng viên có mặt trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2016?
- Phiên giao dịch việc làm đầu Xuân 2016, chúng tôi có 32 DN tham gia với tổng chỉ tiêu tuyển dụng là 676. Lao động đến tham gia tuyển dụng rất đa dạng, ở địa bàn Thủ đô và các tỉnh khác. Tôi muốn nói thêm, số lao động đến Trung tâm làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp cũng được chúng tôi tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí để trong thời gian sớm nhất được quay trở lại với công việc.
676 chỉ tiêu tuyển dụng tập trung vào những vị trí việc làm nào, thưa bà?
- Nhiều nhất vẫn là lao động phổ thông, tiếp đến là công nhân kỹ thuật, sau đó mới đến yêu cầu công việc có trình độ cao đẳng, đại học (ĐH). Đi vào cụ thể, lao động phổ thông có các công việc đa dạng như làm công nhân môi trường; chăm sóc cây xanh; sản xuất về lắp ráp linh kiện điện tử, phụ tùng cho bếp gas; sản xuất bao bì; giao hàng; chăm sóc khách hàng. Lao động trình độ trung cấp có nghề thợ điện, thợ hàn, công nhân kỹ thuật, kỹ sư điện tử được một số đơn vị tuyển dụng với số lượng rất lớn. Lao động trình độ ĐH có kỹ sư xây dựng, kỹ sư điện – điện tử, công nghệ thông tin.
Theo bà, phiên giao dịch này có bao nhiêu ứng viên tham gia ứng tuyển, những ngành nào “hút” nhiều nhân lực?
- Có khoảng 400 - 600 lao động tham gia ứng tuyển hôm nay, cao hơn so với cùng đợt năm trước. Thực ra, những ngành về kinh tế, thương mại – dịch vụ vẫn thu hút nhiều nhất, điều này thể hiện rõ ở chỉ số tuyển dụng cao nhất trong mỗi phiên. Và có thể năm nay, thị trường BĐS đang nóng dần, nên nhiều đơn vị BĐS tuyển nhân viên kinh doanh.
Còn số lao động có trình độ ĐH?
- Đối tượng này cũng không ít. Một số người đã hiểu, nếu không có việc làm thì cả năm sẽ phải mang hồ sơ đi xin việc; thà chấp nhận vị trí công việc thấp hơn trình độ để có cơ hội tiếp xúc cũng như có thu nhập; biết đâu trong thời gian làm việc lại có cơ hội việc làm khác. Vì thế, có những người học xong ĐH lại đi học nghề để xin việc là chuyện bình thường. Theo một số trường dạy nghề mà Trung tâm làm việc trong năm qua, rất nhiều người đã tốt nghiệp ĐH chuyển sang học nghề. Trong đó, nghề nấu ăn rất dễ xin việc vì nhiều nhà hàng, khách sạn có nhu cầu tuyển dụng.
Chúng ta đã hội nhập, ngoài trình độ chuyên môn, người lao động cần phải trang bị những gì để khả năng tìm được việc cao?
- Khi Việt Nam tham gia TPP, DN nước ngoài vào nhiều, đồng nghĩa cơ hội việc làm tăng cao. Để đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các công ty nước ngoài, ngoài yêu cầu về ngoại ngữ và tin học, người lao động phải nắm chắc các kỹ năng. Hơn ai hết, mọi người đều biết tiêu chuẩn tuyển dụng lao động của DN nước ngoài sẽ rất cao. Người lao động phải ý thức được điều đó để đáp ứng những yêu cầu. Ngay từ khi gửi hồ sơ xin việc, ngoài giấy tờ tiếng Việt, phải có CV bằng tiếng Anh để đơn vị tuyển dụng hiểu được mình được đào tạo ở trường nào, có chuyên môn, kỹ năng và thế mạnh gì.
Yêu cầu tuyển dụng của các đơn vị trong nước có cao hơn?
- Đó là điều chắc chắn. Ngày xưa, họ chỉ yêu cầu người lao động có trình độ ĐH là tốt, bây giờ còn có thêm kỹ năng mềm về giao tiếp, làm việc theo nhóm, quản lý thời gian… Vì thế, ngay từ khi đang học ĐH, sinh viên phải trang bị các kỹ năng mềm để ra trường nhanh chóng hòa nhập công việc.
Xin cảm ơn bà!