Yêu cầu xác nhận nhập học sớm của ĐH Ngoại thương có trái quy định?

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedopthi– Việc công bố kết quả xét tuyển phương thức 1, 2, và 5 cùng thư điện tử yêu cầu thí sinh trúng tuyển phải làm thủ tục xác nhận nhập học trực tuyến của trường ĐH Ngoại thương đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Sinh viên trường ĐH Ngoại thương (Ảnh: FBNT)
Sinh viên trường ĐH Ngoại thương (Ảnh: FBNT)

Thông tin chính thức từ trường ĐH Ngoại thương cho biết, trường đã công bố kết quả xét tuyển phương thức 1, 2, và 5 trong mùa tuyển sinh năm nay. Các thí sinh đủ điều kiện đánh giá hồ sơ và nộp đầy đủ hồ sơ đã nhận được email về việc đáp ứng đủ điều kiện xem xét cho trúng tuyển các phương thức nêu trên.

Phương thức 1, 2 và 5 của ĐH Ngoại thương dành cho học sinh thuộc một trong ba nhóm: Tham gia kỳ thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật quốc gia; đạt giải ba trở lên kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố; là học sinh trường chuyên (phương thứ 1); xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với học bạ hoặc SAT, ACT, A-Level (phương thức 2); dựa vào kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia Hà Nội, TP Hồ Chí Minh (phương thức 5).

Theo nhà trường, thí sinh trúng tuyển phương thức 1, 2 và 5 phải làm thủ tục xác nhận nhập học trực tuyến và nộp "Bản xác nhận theo học chương trình" qua đường bưu điện về trường trước 17 giờ ngày 19/7; thí sinh cần thực hiện 6 bước để được xác định trúng tuyển và công nhận là tân sinh viên của trường.

Khi chưa đến thời hạn đăng ký xét tuyển tại Cổng thông tin xét tuyển của Bộ GD&ĐT, thông tin trên của trường ĐH Ngoại thương đã thu hút sự chú ý của dư luận.

Quy định của Bộ GD&ĐT có nêu: Đối với các phương thức xét tuyển không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022, các trường không được yêu cầu hoặc thỏa thuận với thí sinh việc cam kết, xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào (nộp kinh phí giữ chỗ, thu giữ các hồ sơ…).

Về vấn đề trên, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, ĐH Ngoại thương cho biết các bước 1-2-3 trong email kết quả xét tuyển sớm không yêu cầu thí sinh nhập học hay xác nhận nhập học, mà chỉ hỏi nguyện vọng của thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển xem em có dùng tiếp kết quả này hay không; trường không ràng buộc giấy tờ hoặc yêu cầu thí sinh nộp bất kỳ khoản phí nào khác; vì vậy yêu cầu của của trường không trái quy định của Bộ.

"Việc “hỏi nguyện vọng” như cách trường đã làm là căn cứ để trường nắm được số lượng thí sinh không theo học, từ đó đưa ra phương án điều chỉnh phù hợp trong công tác tuyển sinh. Việc này hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền lợi và nguyện vọng vào các trường khác của thí sinh"- PGS.TS Vũ Thị Hiền nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần