Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Yếu tố minh bạch

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bổ nhiệm cán bộ vẫn luôn là một vấn đề “nóng”, nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Trong thời gian qua, không ít sai phạm trong việc bổ nhiệm cán bộ đã được chỉ ra, được xử lý nghiêm khắc. Những quy định để siết chặt hơn quy trình bổ nhiệm cán bộ cũng được ban hành hoặc thúc đẩy thực thi. Tuy nhiên, những con số được chỉ ra trong báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2019 vẫn khiến nhiều người băn khoăn.

Với 1.459 cuộc thanh, kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện không ít vi phạm. Những con số đưa ra cho thấy, có 131 trường hợp bị thu hồi quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; 176 trường hợp thu hồi, hủy bỏ quyết định tuyển dụng, tiếp nhận; 121 trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ quyết định nâng ngạch, chức danh nghề nghiệp; 15 trường hợp bị kỷ luật từ khiển trách đến buộc thôi việc… Có thể thấy rằng, việc bổ nhiệm cán bộ ở một số bộ, ban, ngành và địa phương vẫn xảy ra tình trạng thiếu điều kiện, tiêu chuẩn.
Lý giải nguyên nhân cũng đã được các cơ quan chức năng đưa ra, trong đó có việc thẩm định hồ sơ để bổ nhiệm, đề bạt còn nhiều kẽ hở, dù phải qua rất nhiều cấp xét duyệt; làm đúng quy trình nhưng cán bộ được bổ nhiệm vẫn chưa đạt chuẩn. Như có ý kiến đại biểu đã thẳng thắn, có tình trạng cán bộ không đủ tiêu chuẩn mà vẫn đưa vào, thậm chí còn non, chưa đạt yêu cầu vẫn được bổ nhiệm, để rồi cuối cùng cán bộ ấy không đáp ứng được với yêu cầu công việc.
Bởi thế, cùng với việc nuôi dưỡng, rèn luyện cán bộ cần quan tâm hơn, việc công khai, minh bạch trong các quy trình chuyên môn, nghiệp vụ khi bổ nhiệm cũng là vấn đề được đặt ra. Thực tế thời gian qua, nhiều trường hợp bổ nhiệm khi bị phát hiện sai phạm đều được những người liên quan lý giải đã làm “đúng quy trình” và “không có gì khuất tất”. Tất cả đều được lựa chọn quy hoạch, đưa đi đào tạo, luân chuyển… rồi mới bổ nhiệm, đề bạt. Bổ nhiệm đúng quy trình nhưng vẫn bị nghi vấn; đúng quy trình nhưng lại gây bức xúc trong dư luận xã hội, bởi “đúng quy trình nhưng lại không chọn trúng người”.
Quy trình cán bộ dù rất chặt chẽ, những cái lỗi lớn nhất vẫn là thực thi chưa nghiêm. Nhiều người đã cố tình làm méo mó quy trình để bổ nhiệm người nhà, người thân, “cánh hẩu” vì lợi ích cá nhân gây bức xúc dư luận. Vô tình, quy trình được coi là tấm lá chắn, là cái cớ để bảo vệ, hợp pháp hóa những việc làm sai trong việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.
Thậm trí, không ít trường hợp người đứng đầu bổ nhiệm “thần tốc”, bổ nhiệm một loạt cán bộ không đủ tiêu chuẩn trước khi nghỉ hưu hay tình trạng “cả họ làm quan” cũng không phải chưa từng diễn ra. Chính những tồn tại, hạn chế, thiếu sót này vẫn làm cho dư luận hoài nghi về tính dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác bổ nhiệm cán bộ, dù các quy định cụ thể về công tác cán bộ là không thiếu.
Trước thực tiễn này, một lần nữa, đề xuất rà soát việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, nhất là bổ nhiệm lãnh đạo giữ chức vụ, quản lý trên cả nước lại được đưa ra. Đồng thời cùng với thực hiện nghiêm túc quy trình về công tác cán bộ, việc thi tuyển lãnh đạo sau thời gian thí điểm ở một vài đơn vị cũng cần nhân rộng hơn. Bởi thực tế cho thấy, làm được việc này sẽ là cơ sở tốt để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng tính minh bạch, để chọn được đúng người, tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ cũng như khắc phục tình trạng thao túng, lạm quyền, lợi ích nhóm và tham nhũng trong công tác cán bộ.