Yêu xe buýt để giảm ùn tắc và bảo vệ môi trường

Trương Trung Hưng - xã Văn Phú, huyện Thường Tín
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà tôi ở một vùng ngoại thành Hà Nội (huyện Thường Tín), một vùng “nửa tỉnh nửa quê” đúng nghĩa. Lớn lên trên mảnh đất quê hương, mùi lúa non, cỏ dại đã trở nên quen thuộc với tôi.

Ngày vào đại học, bố mẹ sắm cho tôi một chiếc xe máy cá nhân để có thể di chuyển 25km từ trường ở quận Cầu Giấy về nhà. Háo hức nhập học, có xe riêng, tôi bỗng thấy như cuộc đời đang bước sang một trang khác. Nhưng ngày ngày đi học bằng xe máy, mùi khói xăng, bụi bặm lúc ùn ứ, tắc đường đã làm tôi bị viêm mũi chỉ sau một tháng đi học. Những ngày mưa gió, nắng gắt càng làm những người đi xe máy thêm khổ. Rồi dần dần tôi nhận ra rằng, bầu trời ở trên nội thành khác với bầu trời ở quê tôi, nó đen hơn và ô nhiễm hơn, chủ yếu đến từ khí thải do các phương tiện giao thông gây nên. Chưa kể, trên quãng đường đi học xa, tôi đã không ít lần chứng kiến những vụ TNGT thương tâm mà nguyên nhân xuất phát từ ý thức của người điểu khiển xe gắn máy.

Đó là những anh xe ôm, đèo khách đằng sau nhưng phóng bạt mạng, luồn lách, vượt đèn đỏ để kịp đến đích còn vội về chở chuyến khác. Hay nhiều "con ma tốc độ" đầu trần, lao xe với tốc độ chóng mặt trên làn đường xe ô tô. Vài giây sau, một quái xế khác vượt đèn đỏ xuất hiện, cũng không làm chủ được tay lái và đâm trực diện vào nhau, bắn vào lề đường. Vụ việc khiến tôi và nhiều người chứng kiến kinh hoàng và ám ảnh cả cuộc đời.

Xe buýt số 86 nổi bật trên đường phố Hà Nội.

Tôi bắt đầu chuyển sang đi xe buýt, loại hình vận tải công cộng mà trước nay nhiều người nghĩ dành cho người có thu nhập thấp. Ban đầu, việc đi xe buýt khiến tôi mất hơn 1 giờ để đi từ nhà đến trường. Tôi phải dậy từ 5 giờ và chuẩn bị mọi thứ để 5 giờ 30 phút ra bến bắt xe buýt cách nhà 1km. Bù lại, tôi thấy rất nhiều điểm lợi từ việc đi xe buýt, như an toàn hơn, lại góp phần hạn chế ùn tắc giao thông.

Đặc biệt là giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Chiếc xe buýt ngoại thành rộng, chứa đến hơn 100 người - người đứng, người ngồi nhưng chính điều đó lại giúp tôi có thêm những người bạn mới. Tôi từng tưởng tượng, nếu hơn 100 con người này đều sử dụng phương tiện cá nhân để ra đường thì cảnh ách tắc, chen chúc nhau còn khổ hơn và đặc biệt là sẽ có 100 cái động cơ xe máy không ngừng thải chất CO2 ra môi trường, cái chất mà đã làm tôi bị viêm mũi nặng nề.

Bạn bè thường hỏi, tại sao tôi lại đi xe buýt cho tốn thời gian, lại không chủ động di chuyển được, nhưng tôi đều có những lý do thích đáng để trả lời. Nào là tiết kiệm chi phí, giảm nguy cơ TNGT, giảm tắc đường, và đặc biệt là để bầu trời Hà Nội không còn ngột ngạt mùi khói xe. Nhưng đôi khi tôi cũng nhận được những lời dè bỉu không hay từ phía bạn bè. Tâm lý của các bạn khi đi xe cá nhân thường là để “khoe” xe, đi xe buýt đồng nghĩa với không có xe, đó là tâm lý chúng ta nên thay đổi. Trên xe buýt, tôi có thêm thời gian để đọc lại sách trước khi đến lớp, hay thậm chí là ngủ một giấc dài để bù lại việc phải dậy sớm. Từ tấm kính của xe bus, tôi nhìn thấy những người đi xe máy ai nấy cũng lao vội vã, đi ngược chiều khiến cho bức tranh giao thông trở nên hỗn loạn, ùn tắc và ám ảnh.

Hiện nay, Hà Nội có trên 5,5 triệu phương tiện cá nhân (gần 535.000 ô tô, hơn 4,9 triệu mô tô), và mỗi ngày có thêm hàng nghìn phương tiện đăng ký mới. Hà Nội xưa nổi tiếng với những cây cao bóng mát nhưng dường như bây giờ cây cối cũng đã quá tải để thanh lọc không khí. Nhìn những tán lá bám đen bụi, khói mà thấy thương vô cùng. Đó cũng chính là hình ảnh đáng báo động cho môi trường, nếu toàn dân không mau chóng vào cuộc, Hà Nội rất có thể ô nhiễm giống Bắc Kinh (Trung Quốc).

Trong những năm gần đây, TP Hà Nội luôn tuyên truyền người dân sử dụng phương tiện giao công cộng nhưng hiệu quả trên thực tế chưa cao, nhiều người vẫn sính sử dụng xe cá nhân hơn. Tuy biết rằng cơ sở hạ tầng giao thông còn chưa đồng bộ, xe buýt vẫn còn hạn chế nhưng suy cho cùng, xe buýt vẫn đã và đang góp phần quan trọng trong việc chung tay xây dựng bức tranh giao thông an toàn hơn, thông thoáng hơn, bảo vệ lá phổi của TP. Quan trọng nhất là người dân cần thấy được cái lợi tổng thể, cái lợi bền lâu và tất yếu của xe buýt.

Tôi đã có 5 năm đi học, 2 năm đi làm bằng xe buýt và dường như xe buýt là ngôi nhà thứ hai. Tôi chưa từng bị móc túi hay mất đồ trên xe buýt, họa chăng chỉ có vài lần bị nhỡ chuyến. Thiết nghĩ, học sinh, sinh viên, dân văn phòng và những người làm công việc ít phải di chuyển thì nên sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại, vừa lợi cho mình vừa lợi cho cả cộng đồng. Xã hội phát triển không thể ngăn nổi những hệ lụy của nó, việc gia tăng những phương tiện máy móc cũng có hai mặt, vừa giúp con người thỏa mãn nhu cầu này nhưng đồng thời cũng vô tình làm hại đến nhu cầu khác. Để có thể đảm bảo tất cả các lợi ích hài hòa, chính chúng ta, mỗi một công dân hãy góp một chút sức nhỏ cho Hà Nội qua các việc làm cụ thể. Như hạn chế phương tiện cá nhân ra đường, hay chỉ đơn giản như yêu xe buýt ở khía cạnh tích cực nhất mà nó mang lại.