70 năm giải phóng Thủ đô

Youtuber Thơ Nguyễn làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương rồi bất ngờ xin về

Duy Chí
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/3, YouTuber Thơ Nguyễn đã có mặt làm việc với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông; Công an tỉnh Bình Dương về nội dung video "xin vía học giỏi" đã đăng trên kênh TikTok, Youtube.

Tại buổi làm việc, YouTuber Thơ Nguyễn cho biết đăng tải đoạn video có nội dung "xin vía học giỏi" trên mạng xã hội TikTok gồm 2 phần. Phần 1 có nội dung video gây tranh cãi, dậy sóng trên cộng đồng mạng; phần 2 là video “đính chính” với các em nhỏ để giải thích, đây là búp bê thường, không phải là búp bê ma. Muốn học giỏi thì phải siêng học chứ không cầu xin được!
Youtuber Thơ Nguyễn (ngồi giữa) có biểu hiện sức khỏe không tốt, xin được nghỉ ngơi và hẹn làm việc tốt vào sáng mai (16/3).
YouTuber Thơ Nguyễn tên thật Nguyễn Thị Hồng Thơ (sinh năm 1992), hiện đang sống và làm việc tại Bình Dương. Nữ YouTuber hiện tại có 3 kênh thông tin trên mạng là YouTube Thơ Nguyễn với 8,7 triệu lượt người theo dõi, TikTok Thơ Nguyễn với 900.000 lượt theo dõi và Fanpage Thơ Nguyễn 400.000 lượt follow.
Trước làn sóng phản ứng dữ dội nhiều ngày qua liên quan đến clip “xin vía học giỏi” của Thơ Nguyễn, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử thuộc Bộ TT&TT đã yêu cầu YouTube và TikTok phải gỡ bỏ những nội dung vi phạm liên quan đến tài khoản Thơ Nguyễn. Song song đó, cơ quan thuế cũng kiểm tra thuế thu nhập cá nhân của Thơ Nguyễn trong các năm 2019 - 2021.
Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Bình Dương xác nhận Youtuber Thơ Nguyễn có số tiền nộp thuế trên “tỷ đồng”. Cụ thể, năm 2019 Thơ Nguyễn nộp thuế 1,4 tỷ dồng. Năm 2020, Thơ Nguyễn nộp thuế trên 300 triệu đồng. 2 tháng đầu năm 2021 chủ nhân của kênh này cũng đã nộp trên 200 triệu đồng tiền thuế.
Trao đổi về nội dung đoạn video “xin vía học giỏi” được cho rằng có nội dung truyền bá mê tín dị đoạn gây dậy sóng dư luận nhiều ngày qua, luật sư Trần Thị Ánh - Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Tại điểm b, khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội, đã quy định: Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật”.
Cũng theo luật sư Trần Thị Ánh, trong trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin mê tín dị đoan, mà còn tiếp tục vi phạm thì có thể bị xử lý hình sự về tội “Hành nghề mê tín, dị đoan” được quy định tại điều 320 Bộ luật Hình sự 2015.
Cụ thể, người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
“Còn nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm: Làm chết người; Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng” - luật sư Trần Thị Ánh dẫn giải.