Dạy thêm – học thêm: Quản thế nào cho trúng và đúng?

Bài 1: Bỏ tiền, bỏ sức để đổi lại sự yên tâm

Quý Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Mới đây, vấn đề dạy thêm – học thêm một lần nữa lại được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội. Xuất phát từ thực tế đa dạng và đầy trăn trở, bạn đọc, phụ huynh, thầy cô cùng các chuyên gia đã tiếp tục góp tiếng nói quản lý vấn đề dạy thêm, học thêm.

Có thể kể được hàng trăm lí do của việc phụ huynh cho con đi học thêm sau giờ chính khóa nhưng nguyên nhân nào cũng vẫn hướng về mục đích cao nhất, đó là sự yên tâm cho học sinh và phụ huynh.

“Chạy sô” học thêm

Trong một tuần, con gái lớp 3 của chị Nguyễn Thị Lan (quận Hoàng Mai) có 2 buổi tối học nhà cô và 2 buổi học tiếng Anh tại trung tâm. Nhà cách nhà cô tầm 7km nên sau khi con tan học buổi chiều (buổi 2) ở trường, chị Lan hiếm khi nào đón con về nhà mà thường cho con ăn nhẹ, sau đó vẫn nguyên bộ đồng phục, hai mẹ con chị lang thang cửa hàng ăn hoặc đến nhà cô hay trung tâm để chờ giờ học.

Phụ huynh cho con đi học thêm nhằm hướng đến nhiều mục tiêu khác nhau (ảnh minh hoạ)
Phụ huynh cho con đi học thêm nhằm hướng đến nhiều mục tiêu khác nhau (ảnh minh hoạ)

Khi được hỏi: “Con mới học lớp 3, kiến thức Toán và Tiếng Việt ở mức đơn giản, chỉ cần con nghe giảng chăm chỉ và bố mẹ kèm ở nhà là được, sao phải cho con đi học vất vả?", chị Lan gạt đi vào nói: “Bố mẹ thì một là không có phương pháp sư phạm, dạy con dễ nổi cáu dẫn đến “sứt mẻ” tình cảm, hai là việc cho con đi học nhà cô ngoài việc được củng cố kiến thức thì lí do lớn hơn là để không bị cô ghét, để cải thiện điểm số, nhất là với môn Tiếng Việt vì các con thường được giới hạn hoặc khoanh vùng đề trước mỗi kỳ kiểm tra”, chị Lan tiết lộ.

Cũng có con học cấp tiểu học, anh Nguyễn Hữu Mạnh (quận Hà Đông) khẳng định, đi học nhà cô chủ nhiệm hay nhà cô giáo dạy bộ môn ở lớp thì nguyên nhân chính không phải là để học, để củng cố, hiểu sâu kiến thức mà đa phần đều vì lí do khác, đó là để yên ổn cho con và yên tâm cho bố mẹ.

Theo anh Mạnh, nói điều này ra có vẻ mơ hồ nhưng ít bố mẹ nào dám… tự tin không cho con đi học lớp cô chủ nhiệm dù biết hiệu quả thu về không đáng là bao nhiêu. Người bố này cho hay: “Trong lớp học sinh có nhiều trình độ khác nhau nhưng khi đến nhà cô thì đều xếp chung vào 1 lớp, đều học 1 bài giảng. Kiến thức nếu dạy theo bạn khá thì bạn yếu không hiểu và ngược lại, dạy theo bạn yếu thì bạn khá chỉ ngồi im. Đi học về thì cả bố mẹ và con đều quá mệt nên trăm sự gửi cô và tùy cô, không mấy khi mở sách ra kiểm tra hay xem con học gì”.

Có con trai học giỏi, đỗ vào một trường THCS chất lượng cao nhưng anh Nguyễn Phú Hà (Cầu Giấy) vẫn đăng ký cho con học thêm 5 buổi/tuần, trong đó có 3 buổi Toán, 1 buổi Anh và 1 buổi Văn. Theo anh Hà, việc anh đăng ký cho con đi học thêm xuất phát từ nhu cầu và đề xuất của chính con trai mình.

“Con tôi kể, cả lớp các bạn đi học thêm nhiều, các bạn biết nhiều kiến thức hơn con nên con muốn cũng đi học giống các bạn. Tôi thì dù không muốn con học nhiều, muốn con tăng cường khả năng tự học hơn là “vác xác” đi học thêm. Tuy nhiên, với các thầy cô có trình độ và thương hiệu, việc bỏ thời gian, công sức, tiền bạc cho con đi học thêm quả là xứng đáng”, anh Hà chia sẻ.

Hình thức tổ chức lớp học thêm của con anh Hà như sau: Các con sẽ trải qua một bài kiểm tra trình độ; tùy năng lực, định hướng, thế mạnh của học sinh, trung tâm sẽ phân công giáo viên có trình độ tương xứng để đứng lớp. Được học với các bạn cùng trình độ, có tinh thần học tập cao, có bài tập và bài kiểm tra khảo sát định kỳ nên sau mỗi buổi học, dù mệt nhưng cả thầy và trò đều hào hứng. Kết quả thu về rất tích cực nên anh Hà chưa bao giờ tiếc công sức, tiền bạc hay thời gian đưa con đi học thêm.

Không muốn... nghĩ đến chi phí

Để hỏi một phụ huynh một tháng chi bao nhiêu tiền cho việc cho con đi học thêm không hề dễ dàng. Có nhà do học quá nhiều đến mức không nhớ đóng bao nhiêu; có nhà thì bởi cô thu liền nhiều tháng nên không rõ chính xác số tiền phải đóng.

Số tiền phụ huynh chi trả tiền học thêm cho con không hề nhỏ (ảnh minh hoạ)
Số tiền phụ huynh chi trả tiền học thêm cho con không hề nhỏ (ảnh minh hoạ)

“Một tuần con tôi học thêm gần chục ca, mỗi ca có mức tiền đóng khác nhau; có môn thu 3 tháng một lần, có môn thu 1 tháng một lần… Vậy nên tôi không nhớ chính xác một tháng mình chi bao nhiêu cho việc học thêm của con. Chỉ biết rằng, vô cùng tốn kém và có lẽ chi phí đó chiếm đến 2/3 thu nhập của hai vợ chồng tôi”, chị Lý Thị Mai Thanh, quận Nam Từ Liêm chia sẻ.

Là viên chức nhà nước có mức lương khoảng 8 triệu đồng/tháng, chị Hà Thị Huyền, phụ huynh tại quận Bắc Từ Liêm chi tầm 4,5 triệu cho việc học thêm của con. Chị Huyền kể, tiền ăn, mặc và các chi phí khác của cả nhà đều tối giản hết cỡ để dành tiền cho con học thêm. Với vợ chồng chị, kiến thức cấp nào cũng rất quan trọng, bên cạnh đó còn phải học một môn rất tốn kém là tiếng Anh. Vì tương lai của con, vợ chồng chị không tiếc tiền chi cho con đi học; miễn sao con tiến bộ để đỗ vào trường mà con mong muốn.

Nhiều phụ huynh cho hay, họ không muốn tính cụ thể số tiền con học thêm hàng tháng hết bao nhiêu vì nếu chi li ra thì rất sốt ruột. “Tôi cho con đi học thêm nhiều, trong đó có lớp học thêm đến hạn nộp khi cơ quan chưa trả lương. Biện pháp tôi sử dụng là vay tiền đồng nghiệp, bạn bè với lí do “có chút việc”, sau đó đến tháng lương về sẽ ứng trả sau”, chị Nguyễn Thu Hải (quận Hà Đông) bộc bạch.

Nếu đi qua các trung tâm dạy thêm khi tối muộn, các ngày cuối tuần hoặc ra đường vào các khung giờ này, không khó bắt gặp hình ảnh học sinh ngồi sau xe bố mẹ, trên người mặc nguyên bộ đồng phục học sinh đang tất tả về nhà trong trạng thái mệt mỏi. Dù đi học thêm vì nguyên nhân gì và hướng đến mục tiêu nào thì mặc nhiên, phụ huynh, học sinh đều coi học thêm là chuyện bình thường, là điều tất yếu.

Và có một điểm chung nữa là mỗi buổi tối từ lớp học thêm trở về nhà, trừ thời gian vệ sinh cá nhân, ăn uống thì mỗi học sinh còn rất ít thời gian chuẩn bị bài vở hoặc thường đi ngủ rất muộn. Chính bởi thế, áp lực học tập qua mỗi ngày càng tăng lên...