Dạy thêm, học thêm: Cần thanh tra, xem xét lại chương trình giáo dục

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, vấn đề dạy thêm, học thêm lại được các đại biểu Quốc hội nhắc đến trong phiên thảo luận tổ. Các đại biểu đề nghị Bộ GD&ĐT cần thanh, kiểm tra; xem xét lại chương trình giáo dục...

Đề nghị thanh, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm

Thảo luận tại phiên họp tổ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) nêu ý kiến, thời gian qua, việc dạy thêm, học thêm là vấn đề được đông đảo cử tri cũng như các cơ quan truyền thông báo chí quan tâm. Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT các địa phương cũng quan tâm đến vấn đề này và thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) đề nghị Bộ GD&ĐT thanh, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) đề nghị Bộ GD&ĐT thanh, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm

Tuy nhiên, thời gian qua, vấn đề dạy thêm, học thêm, đặc biệt là ở các đô thị lớn không có nhiều chuyển biến. Nhiều trường hợp, tuy việc học thêm là phù hợp với nhu cầu của gia đình nhưng lịch học chính khóa cũng như lịch học thêm vẫn còn quá dày.

Từ thực tế nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét lại chương trình giáo dục và có phân tích kỹ lưỡng, điều chỉnh phù hợp để giải quyết vấn đề này. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT tiếp tục quan tâm, có các hoạt động thanh tra, kiểm tra các hoạt động dạy thêm, học thêm, để hoạt động này vừa đáp ứng được nhu cầu của các gia đình, nhưng không làm phát sinh các vấn đề xã hội nan giải như hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, chương trình học dày đặc, trẻ yếu kỹ năng trong cuộc sống
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, chương trình học dày đặc, trẻ yếu kỹ năng trong cuộc sống

Nói về “căn bệnh trầm kha” dạy thêm, học thêm, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hệ thống lương cho giáo viên còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. “Tôi tha thiết đề nghị Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt mang tính “mệnh lệnh”, làm thế nào nâng cao đời sống cho giáo viên để bảo đảm nguồn nhân lực, đồng thời hạn chế thấp nhất dạy thêm, học thêm” - đại biểu Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.

Chương trình học dày đặc, trẻ yếu kỹ năng trong cuộc sống

Theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, thế hệ trẻ hiện nay với chương trình học dày đặc đã mất quá nhiều thời gian cho việc học nên yếu kỹ năng trong cuộc sống, cùng với ảnh hưởng của mạng xã hội đã xảy ra hệ lụy về ứng xử chưa tốt, bạo lực học đường… Ngoài ra, thực tế sau khi biên soạn sách giáo khoa chương trình mới, đã xảy ra tình trạng không đồng bộ, còn nhiều lỗi, do đó đề nghị ngành Giáo dục tổng kết ngay để sớm xem xét bổ sung, chỉnh sửa.

Theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận), Nhà nước cần tiếp tục có chính sách quan tâm hơn nữa đến giáo dục và đào tạo
Theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận), Nhà nước cần tiếp tục có chính sách quan tâm hơn nữa đến giáo dục và đào tạo

Trong khi đó, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận) nhận thấy, có tình trạng thương mại hóa giáo dục. Tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất dạy học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 vẫn chưa được các địa phương khắc phục. Do đó, đại biểu đề nghị sớm có giải pháp để khắc phục những khó khăn, tồn tại nêu trên. Đặc biệt, Nhà nước cần tiếp tục có chính sách quan tâm hơn nữa đến giáo dục và đào tạo.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) đề xuất, cần sớm tổng kết thực tiễn thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) đề xuất, cần sớm tổng kết thực tiễn thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Nhằm tiếp tục thúc đẩy việc triển khai hiệu quả chủ trương đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho rằng, cần thống nhất nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của chính sách xã hội hóa giáo dục trong các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương và các tầng lớp nhân dân. Qua đó, thực hiện có hiệu quả chủ trương huy động các nguồn lực xã hội cho giáo dục.

Ngoài ra, đại biểu đề xuất, cần sớm tổng kết thực tiễn thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đồng thời rà soát để kịp thời phát hiện những quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn và còn thiếu, đề xuất hướng chỉnh sửa, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ cho phù hợp.